Trên đây là đánh giá của Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường tại Hội thảo Tập huấn quy trình rà soát rủi ro đối với chuỗi cung ứng nông sản, diễn ra ngày 26/11, tại Tp.HCM, do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường, để hạn chế những rủi ro của các HTX, nhất là các HTX sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế triển khai nhiều hoạt động trong phát triển khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), HTX tại Việt Nam, đặc biệt là gắn kết các HTX tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản có giá trị cao và giúp các HTX đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. “Do số lượng HTX tăng nhanh nên nhiều HTX, nhất là nông nghiệp vẫn tiềm ẩn rủi ro và cần có giải pháp tích cực để ngăn chặn, hạn chế”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Hội thảo |
Còn nhiều rủi ro
Việt Nam hiện có 120.000 Tổ hợp tác, hơn 23.000 HTX và gần 80 Liên hiệp HTX. Giai đoạn 2018 - 2020, Việt Nam phấn đấu thành lập mới ít nhất 5.000 Tổ hợp tác, 2.300 HTX trở lên, xây dựng 1.000 HTX gắn với chuỗi giá trị.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội thảo, mặc dù có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, của các bộ, ngành và của Liên minh HTX Việt Nam, nhưng sản xuất nông nghiệp, nhất là của các HTX ở Việt Nam trong nhiều năm qua đang gặp nhiều rủi ro vì chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, thiếu sự liên kết bền vững giữa nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và doanh nghiệp. Đối với các HTX sản xuất nông nghiệp thì việc này còn khó hơn nhiều, bởi HTX chưa được đánh giá một cách công bằng so với doanh nghiệp kinh tế khác.
Ông Trần Văn Lưu Ba - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Phú Thạnh (Phú Tân, An Giang) chuyên sản xuất nếp thơm đặc sản Phú Tân với diện tích 1.300 ha, cho biết trong sản xuất thì lúc nào cũng có rủi ro. Sản phẩm nông nghiệp làm ra khi “được mùa thì mất giá và ngược lại” khiến nông dân, thành viên HTX không mấy vui vẻ.
“Những rủi ro mà chúng tôi thường gặp phải là rủi ro về địa lý; rủi ro của nhà cung ứng, thông tin về HTX; doanh nghiệp đang làm việc có tham nhũng, không tuân theo những cam kết... Do vậy chúng tôi muốn được trao đổi, học hỏi để quản lý rủi ro trong chuỗi giá trị, qua đó xây dựng và phát triển HTX ngày càng phát triển bền vững”, ông Ba mong muốn.
Trao đổi về vấn đề này, bà Shivani Kanna Bhiran - đại diện Tổ chức OECD, cho rằng ngoài những khó khăn mà đại diện các HTX đã nêu, thực tế còn nhiều khó khăn khác mà các HTX phải đối mặt. Đó là những khó khăn về môi trường sản xuất, kinh doanh, vấn đề lao động, thậm chí là vấn đề tham nhũng về tiền bạc về chính sách, chất lượng hàng hóa, thị trường tiêu thụ, thời tiết, khí hậu...
Sớm phát hiện để ngăn chặn
Theo các đại biểu, những rủi ro trong sản xuất nông sản giai đoạn nào cũng rất lớn. Do vậy phải cần phải rà soát rủi ro để có hướng ngăn chặn. Một trong những mục tiêu của Liên minh HTX Việt Nam trong 2 năm tới là sẽ tập trung vào chuỗi giá trị toàn cầu để tạo nên thương hiệu của Việt Nam trên toàn cầu.
Theo bà Shivani Kanna Bhiran (OECD), muốn thúc đẩy các chuỗi cung ứng một cách an toàn, hiệu quả, chúng ta phải sử dụng các chính sách đòn bẩy, như: Đòn bẩy thương mại truyền thống, hợp đồng, kiểm toán, tiêu chí đấu thầu, những ưu đãi; đòn bẩy kinh doanh gồm nâng cao năng lực, thống nhất nhận thức từ mỗi đơn vị kinh doanh, tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế; đòn bẩy cùng với các đối tác kinh doanh, cùng hành động tập thể với các doanh nghiệp khác thông qua các yêu cầu của nhà cung cấp, cam kết song phương với các doanh nghiệp; đòn bẩy thông qua cam kết song phương với các tổ chức ngang hàng, các tổ chức quốc tế…; đòn bẩy thông qua hợp tác đa phương, hợp tác hành động, sử dụng quyền lực tác động để giải quyết những rủi ro trong hệ thống.
Đánh giá về sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, OECD, ILO là tổ chức quốc tế uy tín, đại diện cho người lao động và nhiều nước phát triển trên khắp các châu lục, đóng góp khoảng 80% thương mại và đầu tư toàn cầu.
“Những đóng góp của ILO, OECD sẽ giúp cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nâng cao nhận thức, giải quyết tốt công việc thực tiễn, xác định những tác động tiêu cực để hạn chế, khai thác tiềm năng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro, qua đó có sự điều chỉnh hoạt động để đạt được hiệu quả cao trong chuỗi cung ứng nông sản, từng bước tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”, Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nhấm mạnh.
Phạm Duy