Hội thảo xây dựng mô hình sinh kế bền vững giúp nâng cao thu nhập cho người dân ở thôn, bản, ấp vùng đặc biệt khó khăn. |
Theo thống kê, cả nước hiện có 20.139 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), 1.957 xã ĐBKK thuộc vùng DTTS &MN, 292 xã ĐBKK thuộc vùng bãi ngang ven biển BNVB&HĐ, 85 huyện nghèo (trong đó có 83 huyện thuộc vùng DTTS&MN và 02 huyện thuộc vùng BNVB&HĐ). Trong đó, xã ĐBKK ở 55/63 tỉnh, chủ yếu thuộc vùng miền núi phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Thanh Nam khẳng định việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho vùng ĐBKK là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới trong thời gian tới. Các mô hình du lịch cộng đồng không chỉ phát triển du lịch mà có có thể phối kết hợp với các làng nghề thủ công mỹ nghệ để phát triển kinh tế, đồng thời lan tỏa các nét đẹp văn bản địa.
Điển hình như ở xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) có các điểm du lịch cộng đồng, du lịch homestay thu hút được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Mô hình đem thu nhập 20 triệu đồng/tháng cho các hộ dân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Thanh Nam chia sẻ về mô hình du lịch cộng đồng. |
Như vậy, phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện tạo sinh kế bền vững cho người dân, xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, đồng thời đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây cũng là một trong những hướng đi quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mỗi vùng ĐBKK đều có những lợi thế riêng, có thể là sự đa dạng về khí hậu, tài nguyên rừng, sản phẩm đặc sản địa phương, bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng, phát triển kinh tế du lịch. Theo PGs.Ts Ngô Thị Phương Lan, phát triển du lịch cộng đồng phải lấy con người làm chủ thể, đào tạo, tập huấn để người dân địa phương có thể giới thiệu, quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, phát triển du lịch cần gắn với các chương trình Nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Mô hình homestay giúp nâng cao thu nhập, quảng bá văn hóa, sản phẩm OCOP địa phương. |
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã quan tâm đến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đã đem lại nguồn thu cho người dân, đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức.
Bàn về điều này, Ts.Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng cần phát huy “5 vốn” bao gồm: vốn con người, vốn xã hội, vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn tài chính góp phần cải thiện đời sống của người dân và nâng “chất” nông thôn mới.
Xuân Mai