Một số sản phẩm đặc sản mang tính bản địa cao có thể kể đến như Tuyết Sơn Trà, trà táo mèo Shan Thịnh (huyện Văn Chấn); bưởi Đại Minh (Yên Bình); miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); mật ong tự nhiên Mù Cang Chải…
Bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình là một trong những sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ảnh TL. |
Năm 2020, Yên Bái đã xác định chủ thể và tên 70 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, số sản phẩm các huyện đăng ký lên tới 87 sản phẩm. Đây là điều kiện tốt để vừa gắn tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở miền núi, vừa tạo ra các sản phẩm hữu ích, đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi ích cho người dân. Các sản phẩm OCOP của Yên Bái sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân địa phương, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh miền núi Tây Bắc.
Đặc biệt, Yên Bái đã có 7 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên: miến đao Giới Phiên; chè shan tuyết Suối Giàng huyện Văn Chấn; gạo Séng cù Mường Lò; chè Bát tiên huyện Trấn Yên; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình, quế điếu huyện Trấn Yên; nước lau sàn tinh dầu quế Văn Yên... Có thể nói, 7 sản phẩm chưa phải nhiều ở một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế như Yên Bái, nhưng đó là một sự cố gắng rất lớn.
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới và mức thu nhập bình quân của người dân đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2019 giảm 6,12%, còn 11,56%, dự kiến sẽ giảm còn 7,56% vào cuối năm 2020…
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025 Yên Bái sẽ đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các thành phần kinh tế khác; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh.
Giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 60 - 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 30 sản phẩm đạt chất lượng 3 - 5 sao.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương bám sát các nội dung Đề án triển khai thực hiện trong năm 2019 - 2020 và các năm tiếp theo một cách hiệu quả. Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đúng lộ trình; các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt Chương trình OCOP...
Đề án OCOP được triển khai tới tất cả các địa phương trong tỉnh gồm các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh có gia tăng giá trị và không ảnh hưởng đến môi trường… do kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt trong đó có các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh…
Đức Anh