Thỏ vốn không phải vật nuôi truyền thống tại các địa phương huyện Yên Bình. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phú Thịnh đã phát triển thành công mô hình chăn nuôi thỏ theo chuỗi, mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời mở ra hướng làm giàu mới cho người dân địa phương.
Hiệu quả kinh tế cao
Nhằm nâng cao hiệu quả, 7 hộ chăn nuôi thỏ ở Phú Thịnh đã liên kết thành lập HTX Chăn nuôi thỏ Yên Bái, phát triển mô hình theo hướng hàng hóa, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị.
Liên kết chăn nuôi thỏ cho giá trị cao ở Yên Bình (Ảnh TL). |
Anh Nông Ngọc Tú, thành viên HTX chăn nuôi thỏ Yên Bái, cho hay trước khi vào HTX, gia đình anh bán thỏ chủ yếu cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Yên Bái và tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên đến nay, nhờ mối liên kết của HTX với doanh nghiệp, anh chỉ cần tập trung vào khâu chăn nuôi.
Theo anh Tú, việc tham gia HTX chính là điều kiện giúp cho thành viên tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi khi được đảm bảo về giá thu mua bởi kỹ thuật chăm sóc ngày càng tốt hơn nhờ sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên.
Hiện tại, thu nhập từ nuôi thỏ của thành viên HTX dao động ở mức 5-8 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn thu đáng kể giúp các hộ thành viên giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Cũng là một điển hình trong chăn nuôi hiệu quả trên địa bàn huyện Yên Bình, HTX dịch vụ tổng hợp Thiên An, xã Xuân Lai, đang đạt được nhiều thành công với mô hình chăn nuôi trâu, bò thương phẩm.
Với quy mô 100 con/lứa, bình quân mỗi năm, HTX xuất bán hàng nghìn con trâu, bò vỗ béo. Riêng năm 2019, HTX bán ra trên 2.000 con, đảm bảo chất lượng và mang lại doanh thu 800 triệu đồng, tạo thu nhập cao cho các thành viên.
Theo ông Hoàng Văn Liêm, Giám đốc HTX, mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo có nhiều thuận lợi để phát triển tại địa phương, nhờ nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, khí hậu mát mẻ. Nếu được chăm sóc tốt, cứ sau hơn 1 năm, HTX sẽ xuất bán và thu lãi khoảng 10 triệu/con bò và 15 triệu/con trâu.
Nhân rộng các mô hình
Theo đánh giá của địa phương, hiệu quả của các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, đang góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Yên Bình.
Theo kết quả rà soát, ước đến cuối năm 2020, huyện Yên Bình còn gần 1.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 3,2%, giảm trên 1.200 hộ, tương đương giảm trên 4,1% so với năm 2019.
Các mô hình chăn nuôi điển hình sẽ tiếp tục được huyện chú trọng đầu tư, nhân rộng (Ảnh TL). |
Đại diện UBND huyện Yên Bình cho biết những năm qua, huyện luôn xác định công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Theo đó, huyện đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến các xã, thị trấn. Phân công nhiệm vụ cho thành viên ban chỉ đạo phụ trách các xã, thị trấn, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, tạo việc làm của từng địa phương.
Đặc biệt, huyện đã tập trung các nguồn lực về vốn, đào tạo nghề, để hỗ trợ người dân phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa, hình thành các chuỗi giá trị. Các HTX, tổ hợp tác được quan tâm và ngày càng cho thấy vai trò tích cực, thu hút nhiều thành viên tham gia.
Để tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Yên Bình dự kiến tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua sản xuất, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều hội viên điển hình. Mỗi năm, toàn huyện có trên 5.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập từ 70 đến 500 triệu đồng/năm…
Thời gian tới, cùng với việc nâng cao hiệu quả của các chương trình thi đua sản xuất, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, đầu tư nhân rộng các mô hình chăn nuôi điển hình, chú trọng phát huy thế mạnh về chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê...). Huyện đặt mục tiêu sẽ có 20 đến 30 mô hình trang trại chăn nuôi theo chuỗi giá trị trong 5 năm tới.
Đặc biệt, với nòng cốt là các HTX nông nghiệp, huyện phấn đấu tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt bình quân 15 - 20% trong giai đoạn 2020 - 2025, thu nhập bình quân của các hộ chăn nuôi đạt 80 - 120 triệu đồng/hộ/năm.
Rõ ràng, với những mục tiêu, phương hướng cụ thể đề ra, chăn nuôi dự kiến sẽ tiếp tục là nhân tố quyết định trong quá trình xóa đói, giảm nghèo bền vững tại vùng cao Yên Bình.
Hưng Nguyên