Mục tiêu của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đặt ra là nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm. Theo đó, đến hết năm 2020 có khoảng 2.400 sản phẩm đạt OCOP với khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX tham gia; định hướng đến năm 2030 có khoảng 4.800 sản phẩm đạt OCOP với sự tham gia của 2.000 doanh nghiệp, HTX.
Phát huy nội lực, gia tăng giá trị
Với quan điểm phát triển kinh tế nông thôn là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020.
Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương ngày càng quan tâm đến các sản phẩm OCOP để từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. |
Qua hơn 2 năm triển khai, đến nay, nhiều sản phẩm OCOP đã phát huy được lợi thế của địa phương, vai trò cộng đồng được nâng cao, đồng thời thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn.
Bà Phạm Thị Lý, Trung tâm Doanh nghiệp và Phát triển, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, Trung tâm hiện đã quản lý gần 3.000 doanh nghiệp, kết nối tới 63 tỉnh, thành phố và kết nối thương mại điện tử với 3 thứ tiếng Việt - Anh - Trung, hình thành hơn 135 chuỗi với gần 3.000 sản phẩm, trong đó có hàng trăm sản phẩm OCOP được quản lý thông qua hệ thống điện tử để truy xuất nguồn gốc, quản trị chất lượng.
"Việc số hóa trong xây dựng nông thôn mới gắn với sản xuất an toàn, có sự nhập cuộc của các doanh nghiệp, HTX với các sản phẩm OCOP có truy xuất nguồn gốc sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh, hạn chế được hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt thương hiệu, giả nhãn mác như dâu tây, khoai tây Đà Lạt, cải bắp đã từng xảy ra và nâng cao thương hiệu và giá trị hàng hóa, nông sản Việt Nam”, bà Lý nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, tính đến nay, trên cả nước đã có 5.350 xã (chiếm trên 60% số xã), 152 đơn vị cấp huyện (đạt 22,7%) đạt chuẩn nông thôn mới. Những con số về mặt số lượng này đã vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, đời sống người dân, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng có nhiều đổi thay.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, Chương trình OCOP mới được triển khai trong thời gian ngắn (từ tháng 5/2018), song đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là nhận thức của xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, HTX về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn…
Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. |
Sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình được tổ chức triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tính đến tháng 8/2020, cả nước có 1.928 sản phẩm, đạt hơn 80% chỉ tiêu đặt ra, trong đó có 40 sản phẩm đang đề xuất 5 sao, 666 sản phẩm 4 sao và 1.231 sản phẩm đạt 3 sao. Đáng chú ý là trong số 1.120 chủ thể tham gia chương trình OCOP của cả nước có tới 437 HTX, 17 tổ hợp tác, chiếm gần 40%.
“Điều này cho thấy sự nhập cuộc của kinh tế hợp tác, HTX có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho cư dân nông thôn, góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Tiến nhấn mạnh.
Sau khi được đánh giá xếp hạng, nhiều sản phẩm đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, thương mại điện tử ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn, doanh thu bán sản phẩm của các nhóm sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng đều tăng đáng kể.
Đáng chú ý, hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ Chương trình OCOP diễn ra sôi nổi khắp cả nước từ trung ương đến địa phương. Nhiều địa phương đã thực hiện mở các trung tâm, điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP theo tiêu chí quy định của Bộ Công Thương tại Quyết định 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 như: Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên…, đã tạo nên hiệu ứng tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Trong năm 2020, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đề ra mục tiêu tiêu chuẩn hóa, công nhận thêm ít nhất 1.200 sản phẩm OCOP; tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia lần thứ nhất vào quý III/2020; triển khai thực hiện từ 8-10 mô hình làng văn hóa du lịch. Đặc biệt, phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX tham gia Chương trình OCOP; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, HTX tham gia Chương trình OCOP…
“Thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia cần được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, phấn đấu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mới như: Tổ chức Festival/Hội chợ OCOP quốc gia, công bố phê duyệt đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia lần thứ nhất vào quý IV/2020; xây dựng Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2020…. Chương trình OCOP góp phần nâng tầm thương hiệu, nông đặc sản địa phương, kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ”, ông Tiến thông tin.
Phạm Duy