Xuất phát điểm là huyện thuần nông, đời sống nhân dân khó khăn, huyện Phú Bình đến nay đã có bước tiến ngoạn mục trong phát triển kinh tế - xã hội, 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang hướng tới những mục tiêu lớn.
Hình thành sản phẩm thế mạnh
Cách đây hơn 10 năm, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Phú Bình là gà, lợn, lúa, khoai lang, lạc… được sản xuất theo hướng tự phát, manh mún nên giá trị kinh tế không cao, thu nhập của người nông dân liên tục rơi vào cảnh bấp bênh.
Gà đồi là một trong những sản phẩm thế mạnh của huyện Phú Bình. |
Đến nay, cùng với thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường liên huyện, liên xã được cứng hóa, cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, mọi thứ đã dần thay đổi.
Sản xuất chăn nuôi vẫn là lúa, lợn, gà, nhưng được tổ chức một cách bài bản với quy mô trang trại, liên kết thành lập HTX, áp dụng kỹ thuật nên đã có thương hiệu, điển hình như nếp Thầu Dầu, tương Úc Kỳ, gà đồi Phú Bình, ngựa bạch Tân Thành...
Các sản phẩm nông sản bắt đầu được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại cuộc sống ấm no cho người sản xuất, diện mạo nông thôn liên tục đổi mới, tràn đầy sức sống, người dân phấn khởi trước những thay đổi ngoạn mục của thôn, xóm.
Chị Dương Thị Mão, xã Úc Kỳ chia sẻ, gia đình chị bắt đầu sản xuất tương theo hướng hàng hóa kể từ năm 2010. Nhờ được hỗ trợ từ các ban, ngành địa phương, hiệu quả sản xuất của gia đình ngày càng cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, gia đình chị Mão tiêu thụ 4.000 - 5.000 lít tương mỗi tháng, sản phẩm sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường. Nhờ làm tương, từ một hộ khó khăn, gia đình chị Mão nay trở thành hộ kinh tế khá.
Hiện thực hóa bằng OCOP
Rất nhiều sản phẩm thế mạnh được hình thành, mang lại giá trị cao cho người dân huyện Phú Bình. Tuy nhiên, việc xây dựng các sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn huyện lại đang gặp phải không ít khó khăn.
Trước những vấn đề còn tồn tại, tháng 5/2020, UBND huyện Phú Bình đã mời lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên về đánh giá thực trạng, hướng dẫn giúp đỡ các tập thể, cá nhân đăng ký tham gia sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Cần có thêm hỗ trợ để các sản phẩm thế mạnh của Phú Bình đạt chuẩn OCOP. |
Văn phòng đã cử các đoàn công tác xuống trực tiếp làm việc tại các cơ sở theo hướng "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn các HTX, đơn vị, cá nhân thực hiện công đoạn sản xuất, làm nhãn mác sản, bao bì sản phẩm để có sản phẩm chất lượng tốt nhất, theo tiêu chuẩn OCOP.
Sau các buổi tập huấn, ông Phạm Công Dũng, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ Văn phòng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho rằng, điều quan trọng nhất đối với các HTX, hộ kinh doanh là phải hoàn thiện tất cả các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm.
“Đối với các cơ sở kinh doanh chưa thành lập HTX thì phải thành lập HTX để có liên kết trong sản xuất. Ngoài ra, các cơ sở cũng cần chú ý hơn đến khâu nhãn mác, bao bì sản phẩm để thu hút người tiêu dùng và nâng tầm sản phẩm”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê, hiện Phú Bình có 12 sản phẩm thuộc các HTX, tổ hợp tác và các cơ sở sản xuất kinh doanh có lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP, điển hình như tương Úc Kỳ, gạo hữu cơ Tân Đức, nham trám Hà Châu, gạo nếp Thầu Dầu, nem bùi Hải Tuyết…
Để xây dựng các sản phẩm tiềm năng đạt chuẩn OCOP, đại diện UBND huyện Phú Bình kiến nghị các ban, ngành liên quan giúp đỡ về mặt hồ sơ, phân tích, đánh giá chất lượng… Về phía địa phương, huyện sẽ chủ động áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nhật Minh