HTX Nông nghiệp-Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Phước An ở ấp 4 xã Tân Quý Tây là một trong những HTX tiêu biểu của huyện Bình Chánh và Tp.HCM, đang hoạt động ổn định và khá hiệu quả.
Tiên phong tham gia truy xuất nguồn gốc rau an toàn
Ông Trần Văn Thích, Giám đốc HTX, cho biết, hiện nay HTX có 62 thành viên ở các xã Tân Quý Tây, Tân Nhựt, Hưng Long đã trồng trên 30ha rau an toàn, với 27 chủng loại rau ăn lá, ăn trái…đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Mỗi năm, các thành viên của HTX đã trồng được 7 vụ rau, với năng suất đạt trên 21-24 tấn/ha/năm. HTX còn là một trong hai đơn vị đi tiên phong tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn tại Tp.HCM.
HTX Phước An đang có 27 chủng loại rau ăn lá, ăn trái…đạt tiêu chuẩn VietGap. |
HTX thu mua sản phẩm cố định theo hợp đồng ký với thành viên, đảm bảo hộ thành viên có lãi ít nhất 30% so với giá thành sản xuất. Nếu giá thị trường thấp hơn HTX vẫn thu mua theo giá hợp đồng. Còn nếu giá thị trường cao hơn thì HTX thu mua bằng 80% giá thị trường.
Tỷ lệ sản phẩm của thành viên HTX sản xuất được bao tiêu trên 97%. Ngoài việc thu mua sản phẩm cho các hộ thành viên, HTX Phước An còn thu mua sản phẩm rau cho các hộ vệ tinh. Hiện HTX đang cung cấp sản phẩm cho siêu thị lớn ở Tp.HCM như: Co.opmart, Big C, Lotte, Vinatex Mart…
Ngoài ra, HTX còn cung cấp cho một số đơn vị xuất khẩu đi thị trường nước ngoài; các công ty cung cấp thực phẩm cho trường học, bệnh viện,…với sản lượng tiêu thụ 150 tấn/tháng.
Bên cạnh đó, HTX này còn liên kết sản xuất, tiêu thụ với các HTX, doanh nghiệp, người nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Long An để đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Nhờ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nên mỗi năm, HTX đã tiếp nhận hơn 1.540 tấn rau an toàn của xã viên, nông dân liên kết sản xuất để sơ chế, đóng gói, bao bì, in mã vạch…cung ứng theo hợp đồng với các doanh nghiệp, siêu thị, bếp ăn tập thể…trên địa bàn Tp.HCM, đạt doanh số bán ra trên 22 tỷ đồng. Trừ chi phí sản xuất, HTX còn lãi trên 1,5 tỷ đồng/năm.
Hoạt động hiệu quả như vậy mà nhiều năm nay HTX Phước An đã góp phần nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Quý Tây (đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015) nói riêng và huyện Bình Chánh nói chung.
Bên cạnh HTX nêu trên thì huyện Bình Chánh đang có 15 HTX và hơn 40 tổ hợp tác nông nghiệp. Từ các mô hình kinh tế tập thể phát triển ổn định, huyện đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh của mình, mang lại chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nâng cao thu nhập cho thành viên
Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thì huyện Bình Chánh hiện có 54 ha nuôi tôm, 578 ha diện tích nuôi trồng thủy sản khác, gần 50ha diện tích nuôi cá cảnh. Ngoài ra, huyện còn có 423ha trồng hoa kiểng và có 360 ha diện tích trồng hoa mai vàng, 39,5 ha trồng hoa phong lan, 41,25 ha hoa nền.
Theo đánh giá, việc chuyển đổi từ các mô hình sản xuất kém hiệu quả như trước đây là trồng lúa, trồng mía...sang các mô hình nông nghiệp đô thị tại các HTX, tổ hợp tác đã giúp Bình Chánh có chuyển biến tích cực trong việc nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của huyện đạt trên 64 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Việc phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị tại các HTX, tổ hợp tác đã giúp Bình Chánh nâng cao đời sống của người nông dân. |
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bình Chánh cũng được kéo giảm rõ rệt, năm 2019 hộ nghèo chỉ còn 123 hộ, chiếm tỷ lệ 0,06% so với năm 2010 là 11.938 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,5%.
Hiện cơ bản các sản phẩm nông nghiệp ở Bình Chánh được cho là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGap, có thị trường tiêu thụ ổn định. Nông dân trong huyện đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị để tiến đến công nghiệp hóa nông nghiệp.
Huyện còn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao giá trị thu nhập.
Tất cả đã góp phần để huyện Bình Chánh hoàn thành chương trình nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2020, qua đó, tạo tiền đề tiếp tục nâng cao thu nhập đời sống của người dân.
Nhất là trong 10 năm xây dựng nông thôn mới và ở giai đoạn nâng chất thì huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho 20.860 lượt người, trong đó có 15.837 người được giải quyết việc làm sau học nghề.
Thanh Loan