Theo Ban giám đốc HTX Đại Hà, mặc dù cam, quýt là sản phẩm được HTX tập trung sản xuất ngay từ đầu, tuy nhiên việc đưa măng nứa tép sấy khô tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng có lý do riêng vì đây vốn là sản vật đặc trưng từ miền núi nói chung, huyện Bạch Thông nói riêng. Sau khi chế biến, măng sẽ rất dễ vận chuyển và bảo quản nên đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng.
Sức bật trong sản xuất
Giám đốc Cao Xuân Lãng cho biết, nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh về sản vật măng nứa rừng thành một trong những sản phẩm hàng hóa nổi tiếng, từ năm 2017, HTX đã tìm hiểu thị trường và đầu tư để chế biến măng nứa tép sấy khô.
Vùng rừng tự nhiên tại xã Quang Thuận có khoảng 500ha, trong đó phần lớn là măng nứa rừng, là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất.
Măng rừng là nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến măng nứa tép sấy khô. |
Để bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX xây dựng xưởng sản xuất, lò sấy... Thông thường, sau khi lấy măng tươi từ rừng về, các thành viên phải cắt bỏ những đoạn bị xơ (măng già), rồi luộc chín, để nguội, sau đó dùng dao chẻ.
Muốn có những lát măng khô đẹp, trong quá trình chẻ măng không được chẻ quá mỏng hoặc quá dày. Chẻ quá dày thì măng khô sẽ không đẹp, còn quá mỏng thì khi sấy dễ bị gãy nát. Sau khi chẻ xong, măng trải qua công đoạn ép nước trong thùng gỗ nhằm bảo đảm khô ráo trước khi xếp lên lò sấy, sấy khoảng 6 giờ đồng hồ. Nếu trời nắng, HTX có thể giảm thời gian sấy và đem măng ra phơi giúp măng thơm ngon hơn, màu sắc cũng đẹp hơn.
Hiện nay, HTX Đại Hà đã được cấp chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được hút chân không, đầy đủ tem nhãn trước khi xuất ra thị trường... Nhu cầu của thị trường măng an toàn được chú trọng nên HTX làm đến đâu bán hết đến đó. Trung bình năm 2019, HTX thu mua được khoảng 12 tấn măng tươi và đưa ra thị trường khoảng 6 tạ măng sấy khô. Sản phẩm đều được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.
Với mong muốn phát triển sản xuất, xây dựng và phát huy thương hiệu sản phẩm măng sấy khô, HTX Đại Hà đã đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2018. Sản phẩm măng nứa tép sấy khô đã được bình chọn đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh. Măng nứa nhanh chóng trở thành mặt hàng được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch khắp miền Bắc như: Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên và nhiều nhất là Hà Nội đặt mua.
Việc này giúp thành viên nâng cao thu nhập, đồng thời khẳng giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương. Không dừng lại ở đó, năm 2019, HTX Đại Hà tiếp tục làm hồ sơ, thủ tục, hoàn thiện sản phẩm để đăng ký nâng cấp sản phẩm măng nứa tép sấy khô từ 3 sao lên 4 sao OCOP cấp tỉnh.
Vẫn còn những khó khăn
Theo đại diện UBND xã Quang Thuận, một trong những tiêu chí quan trọng để xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là phải có sản phẩm được xếp hạng trong Chương trình OCOP. Việc HTX Đại Hà tích cực tham gia chương trình OCOP trong thời gian qua chính là động lực để xã tiến gần về đích nông thôn mới nâng cao, vì đây vốn là tiêu chí khó thực hiện ở nhiều địa phương, nhất là những xã vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều công đoạn sản xuất thủ công gây khó khăn cho việc ký kết hợp đồng sản xuất đơn hàng lớn. |
Tuy đã đạt được những kết quả trong sản xuất và chế biến nông sản, nhưng HTX đang gặp một số khó khăn nhất định. Tiêu biểu là việc sản xuất tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng diện tích nhà xưởng hẹp, lò sấy thủ công. Nhiều khi có đơn đặt hàng số lượng lớn nhưng HTX không có hàng để cung cấp.
Trong khai thác, người dân chủ yếu thu hái thủ công, chưa có ý thức bảo tồn và phát triển nên nguồn nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng, trong khi măng tươi phục vụ sản xuất mỗi năm chỉ có trong khoảng thời gian 3 tháng.
Chính vì vậy, ngoài việc HTX chủ động đầu tư sản xuất, các cấp ngành cần quan tâm, hỗ trợ HTX máy móc sản xuất đi đôi với chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc, nhân giống nhằm mở rộng vùng nguyên liệu. Khi nghề làm măng khô đặc sản truyền thống của địa phương phát triển theo hướng bền vững, HTX Đại Hà tích cực tham gia OCOP cũng cho thấy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương được phát triển theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, Quang Thuận đã bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhờ chú trọng phát triển mô hình HTX kiểu mới, đến nay, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 37 triệu đồng. Trong thời gian tới, ngoài phát triển mô hình HTX, xã sẽ kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn để về đích nông thôn mới nâng cao đúng tiến độ.
Như Yến