Ngày 1/11/2019, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định 3853/QĐ-UBND quy định Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, xã NTM kiểu mẫu phải có ít nhất 2 HTX kiểu mới liên kết làm ăn có hiệu quả.
Khó cũng phải làm
Mỗi HTX ít nhất có 2 loại dịch vụ cơ bản, kinh doanh có lãi liên tục trong 2 năm và tham gia vào chuỗi giá trị gắn kết với các sản phẩm chủ lực của xã. So với quy định trong xây dựng NTM và NTM nâng cao, tiêu chí này cao hơn hẳn.
Xã NTM kiểu mẫu phải có ít nhất 2 HTX kiểu mới liên kết làm ăn có hiệu quả (Ảnh: Tư liệu) |
Theo ông Trần Duy Chinh, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hải Dương, việc thành lập 2 HTX nằm trong nội dung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên tất cả các xã xây dựng NTM kiểu mẫu sẽ phải nghiêm túc thực hiện. Mặc dù việc thành lập 2 HTX kiểu mới ở một số xã sẽ rất khó khăn, nhất là những xã không có ngành nghề phụ, nhưng quy định này là hết sức cần thiết.
Thực tế, tại những xã đã có 2 hoặc 3 HTX cho thấy, việc thành lập thêm HTX là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) hiện đã có 2 HTX và đều làm ăn hiệu quả. Ông Vương Đức Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính cho biết việc thành lập được nhiều HTX sẽ góp phần thu hút được các xã viên tham gia. Họ sẽ hỗ trợ nhau, từ đó giảm gánh nặng cho chính quyền cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tương tự, xã Bạch Đằng (huyện Kinh Môn) hiện có 3 HTX. Mỗi HTX hoạt động một lĩnh vực nên đội ngũ lãnh đạo có trình độ chuyên môn sâu, hỗ trợ được các thành viên. HTX dịch vụ nông nghiệp chuyên cung cấp giống lúa, rau màu, xây dựng các vùng lúa tập trung, điều tiết nước tưới cho nông dân. HTX chăn nuôi, thủy sản thường xuyên mở các lớp chuyển giao kỹ thuật cho hội viên, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phối hợp cung cấp thức ăn để được hưởng những ưu đãi về giá hay giới thiệu, chia sẻ cho nhau thị trường tiêu thụ. Còn HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch tập trung vào lĩnh vực trồng, tiêu thụ thanh long sạch.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng chia sẻ: "Chúng tôi phải hợp tác với nhau mới có đủ nguồn hàng, bởi nếu tách riêng thì sản lượng thanh long ít, không đáp ứng được nhu cầu của các siêu thị, cửa hàng có nhu cầu. Việc phân chia thời vụ được thực hiện giữa các thành viên, mỗi hộ thu hoạch cách nhau vài ngày để lúc nào cũng có hàng cung cấp cho khách. Nếu không có sự hợp tác thì sản phẩm làm ra chỉ bán nhỏ lẻ, không thể vươn tới những thị trường tốt hơn được".
Điều này cho thấy, việc xây dựng 2 HTX ở những xã NTM kiểu mẫu hết sức cần thiết. Bởi nếu địa phương có 2 HTX phát triển sẽ tạo điều kiện liên kết, chia sẻ, hợp tác giữa các thành viên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế bền vững ở địa phương.
Các HTX sẽ là cầu nối giữa nông dân với nông dân, giữa xã viên HTX với khách hàng, giúp mở ra hướng sản xuất mới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho xã viên. Dù là tiêu chí khó nhưng các địa phương vẫn cần quyết tâm thực hiện.
Nhiều hỗ trợ giúp HTX phát triển
Để hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp phát triển, mới đây UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Trung ương cho phép phân bổ gần 27 tỷ đồng từ dự án thuộc "Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020".
Hải Dương khuyến khích phát triển HTX (Ảnh: Tư liệu) |
Cụ thể, tỉnh Hải Dương đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thống nhất trong giai đoạn 2017-2020 chưa triển khai đầu tư dự án thuộc "Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020". Số vốn gần 27 tỷ đồng chưa phân bổ đề nghị được tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX nông nghiệp của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả phải xây dựng những sản phẩm mang tính hàng hóa, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Việc triển khai thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm là xu thế tất yếu nhưng cần lựa chọn được sản phẩm có thể mang lại giá trị kinh tế cao.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là khâu then chốt để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và là nòng cốt trong xây dựng NTM. Mỗi địa phương phải tìm ra được lợi thế riêng để có định hướng hỗ trợ người dân, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn từ 2018-2020, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo, tập huấn cho 100% số cán bộ quản lý và các chủ thể tham gia đề án. Phát triển thêm ít nhất 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX tham gia OCOP. Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại cho 20 sản phẩm... Từ năm 2021-2030, trung bình mỗi năm phát triển thêm từ 1-2 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia và có thêm từ 3-5 doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP. Triển khai xây dựng từ 1-2 mô hình khu vực du lịch gắn với sản phẩm OCOP và các dự án trọng điểm theo chuỗi giá trị...
Hiện nay, toàn tỉnh có 325 HTX nông nghiệp. Tỉnh phấn đấu hết năm 2020 có 348 HTX nông nghiệp trở lên hoạt động có hiệu quả.
Thy Lê