Mạnh dạn bứt phá để vượt khó
Năm 2019, HTX Đông Triều (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong) được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 250 triệu đồng đầu tư máy sấy lạnh phục vụ việc chế biến nông sản. HTX đã sấy thử nghiệm các sản phẩm như rau má, củ dền, cà rốt, rau diếp cá, rau tía tô… Phần lớn các sản phẩm đưa vào sấy là thức uống tốt cho sức khỏe nên sau khi sấy được đưa vào nghiền bột, đóng gói bán ra thị trường.
Giám đốc HTX Đông Triều Nguyễn Đức Việt cho biết: “Nông sản đưa vào sấy lạnh giữ được chất lượng, hương vị, màu sắc đẹp nên được người tiêu dùng ưa thích. Mặc dù mới sản xuất nhưng khi bán ra thị trường thì sản phẩm nông sản sấy lạnh của HTX cung không đủ cầu. Vấn đề quan trọng là nhờ được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, HTX có điều kiện hơn để mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Sau khi được đầu tư máy sấy lạnh và sản xuất có hiệu quả, HTX Đông Triều đã mở rộng vùng nguyên liệu, không chỉ trong xã mà còn sang các xã lân cận, từ đó đã tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động là người dân địa phương. Sắp tới, để nâng công suất sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thức uống bổ dưỡng tốt cho sức khỏe, sản phẩm gia vị, HTX tiến hành đăng ký thương hiệu, in ấn bao bì, nhãn hiệu để người tiêu dùng biết đến, tìm mua, sử dụng.
Cánh đồng lúa hữu cơ ở huyện Triệu Phong (Ảnh: TL) |
Những năm gần đây, nhằm tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp phát triển, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: Chính sách đào tạo, tập huấn, hỗ trợ thành lập mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thiết bị máy móc phục vụ chế biến sản phẩm nông sản… Nhờ đó đã thúc đẩy các HTX phát triển tạo ra được nhiều sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao như: Gạo sạch, cà phê hữu cơ, hồ tiêu, đậu xanh, đậu đen, chuối, nghệ, gừng, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, dược liệu…
Nhiều HTX nông nghiệp liên kết sản xuất tạo thành chuỗi sản xuất hàng hóa lớn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Đáng chú ý là sản phẩm của các HTX phần lớn được tiêu thụ khá tốt. Tuy nhiên, khả năng mở rộng quy mô sản xuất và thị trường của các HTX không nhiều do thiếu kinh phí đầu tư máy móc thiết bị, sản phẩm chưa được chú trọng về mẫu mã, nhãn mác, bao bì.
Đồng hành cùng các HTX
Những năm qua, do thiếu nguồn vốn hoạt động nên các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa mạnh dạn đầu tư các thiết bị máy móc vào sản xuất làm cho sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường và HTX cũng chưa đủ sức làm “bà đỡ” cho nông dân. Từ thực trạng trên và nhằm thúc đẩy HTX phát triển để hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển, thời gian qua, bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ thiết bị máy móc cho một số HTX có nhu cầu và đã bước đầu đưa lại hiệu quả thiết thực.
Cụ thể, từ năm 2018, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị đã triển khai chương trình hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất, sơ chế và chế biến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm chủ lực của các HTX có chiến lược sản xuất tốt, sản phẩm bán chạy trên thị trường.
Đến nay, Chi cục đã hỗ trợ 10 HTX nông nghiệp các loại máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất, chế biến nông sản như: Hỗ trợ giàn phơi tự nhiên và máy xay xát chế biến cà phê sạch theo hướng hữu cơ cho HTX Chân Mây (thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa); Máy nghiền bột mịn và xay đậu xanh tằm cho HTX Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh); Máy chế biến sản phẩm gừng, nghệ cho HTX Tân Hợp (huyện Hướng Hóa); Hệ thống làm mát và máy phát điện phục vụ chăn nuôi lợn cho HTX Thành Công (huyện Vĩnh Linh). Hỗ trợ máy móc trong chế biến gạo sạch canh tác tự nhiên cho HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong; Hỗ trợ máy móc chế biến gạo sạch cho HTX Quang Hạ (xã Gio Quang, Gio Linh) và HTX Cam An (huyện Cam Lộ). Hỗ trợ máy chiết xuất tinh dầu để sản xuất dược liệu cho HTX Trường Sơn, Cam Lộ; hệ thống sấy lạnh trong chế biến nông sản cho HTX Đông Triều ( xã Triệu Tài, Triệu Phong); Hỗ trợ máy móc trong chăm sóc và khai thác gỗ rừng trồng cho HTX Kinh Môn (xã Trung Sơn, Gio Linh)…
HTX Tân Hợp, Hướng Hóa được hỗ trợ máy chế biến gừng, nghệ (Ảnh: TL) |
Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị Hoàng Minh Trí cho biết, trước đây, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn chỉ làm các khâu dịch vụ cho thành viên như dịch vụ thuốc, vật tư nông nghiệp, khuyến nông, thủy nông, bảo vệ thực vật. Nhưng từ khi chuyển đổi theo mô hình sản xuất mới, ngoài các hoạt động trên, nhiều HTX nông nghiệp linh hoạt mở rộng quy mô sản xuất, chế biến nông sản tạo ra được sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường nhờ khai thác tốt lợi thế của vùng nguyên liệu, mang lại lợi nhuận cao. Một số HTX chuyên ngành tiếp cận có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với năng lực về vốn, con người, đất đai đã phát triển đúng hướng, hiệu quả, tạo ra được sản phẩm chủ lực, đặc sản, trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm tốt cho nông dân, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển.
“Sau khi được hỗ trợ, các HTX phát huy hiệu quả tốt, giúp hoàn thiện các khâu trong chế biến sản phẩm và nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm của HTX, từ đó hỗ trợ tốt trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên và nông dân trong vùng”, ông Trí nhấn mạnh.
Thái Hoà