Dù đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016 nhưng Mường Sang vẫn đang cố gắng để giữ vững và thực hiện các tiêu chí nâng cao, trong đó có tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân. Thực tế cho thấy, mức thu nhập trung bình của người dân Mường Sang năm 2016 là 20 triệu đồng thì đến cuối năm 2019 đã nâng lên 34 triệu đồng. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, thủy nội đồng được cứng hóa hoàn toàn phục vụ việc đi lại và sản xuất của người dân thuận tiện hơn.
Tiếp tục nâng cao thu nhập
Tận dụng điều kiện tự nhiên, Mường Sang tiếp tục khuyến khích người dân phát triển kinh tế, trong đó có các loại cây rau màu.
Tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn Bãi Sậy đã liên kết người dân trồng các loại rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả các loại theo chuẩn VietGAP trên diện tích 5ha. Trong quá trình sản xuất, người dân tiến hành canh tác theo quy trình nghiêm ngặt.
Ngay từ khâu chuẩn bị đất, ngoài làm đất tơi xốp, bà con còn thu gom các loại rác thải, lá cây, cỏ dại trên ruộng, sau đó bón lót phân hữu cơ. Phân được bón cách nhau khoảng 20 ngày. Trong suốt quá trình trồng, THT thường xuyên làm cỏ trên các luống rau theo phương pháp thủ công.
Mường Sang quan tâm đến tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các mô hình sản xuất bền vững (Ảnh: TL) |
Khi phát hiện sâu bệnh, thành viên xử lý bằng cách phun các loại thuốc trong danh mục được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của tỉnh quy định với quy cách và liều lượng cho phép.
Vì áp dụng đúng quy trình VietGAP vào trồng, chăm sóc nên các loại rau, củ, quả của THT luôn đảm bảo các tiêu chí ngon và sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường, được khách hàng đánh giá cao. Mỗi năm, THT bán ra thị trường hàng trăm tấn rau xanh các loại, giúp người dân có thu nhập ít nhất từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, trên địa bàn xã Mường Sang đã thành lập được 3 HTX và 1 THT rau an toàn, 2 HTX hoa quả. Các THT và HTX đều hoạt động hiệu quả nhờ thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm sạch, an toàn...
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, việc thành lập các HTX và THT là để thực hiện chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất, giúp các hộ nông dân đoàn kết, liên kết trong sản xuất, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là một trong những giải pháp giúp nông dân đạt thu nhập cao trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện thành công tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tích cực liên kết với doanh nghiệp
Ngoài việc thành lập các mô hình kinh tế hợp tác và vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các loại cây, con giống có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, xã Mường Sang còn tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, huyện Mộc Châu để thu hút các doanh nghiệp, công ty vào đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch trên địa bàn.
Tiêu biểu là xã đã phối hợp với Công ty cổ phần du lịch Pha Luông thực hiện các bước giải phóng mặt bằng và đã bàn giao khu du lịch thác Dải Yếm cho doanh nghiệp này đầu tư nâng cấp để phát triển du lịch, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Bên cạnh đó, chính quyền còn khuyến khích các hoạt động phát triển ngành nghề như dệt thổ cẩm, làm các loại trang phục dân tộc Thái, sản xuất rau màu để cung cấp sản phẩm cho khách du lịch. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Mục tiêu của xã là đến cuối năm 2020 sẽ nâng thu nhập trung bình của người dân lên 36 triệu đồng/năm.
Bộ mặt nông thôn ở Mường Sang đang thay đổi từng ngày (Ảnh: TL) |
Ngoài việc phấn đấu duy trì đạt chuẩn tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, xã Mường Sang còn quan tâm đến các tiêu chí về dịch vụ y tế, văn hóa, đời sống xã hội. Đặc biệt, vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân cũng được quan tâm với Trạm Y tế đạt chuẩn, có đội ngũ y, bác sỹ tận tình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Chia sẻ về những kinh nghiệm, cách làm để giữ vững các tiêu chí sau đạt chuẩn nông thôn mới và hướng tới nông thôn mới nâng cao, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Mường Sang, cho biết xã đã xây dựng kế hoạch để giữ vững và phát triển các tiêu chí luôn biến động như hộ nghèo, thu nhập, an ninh trật tự; sử dụng hiệu quả đồng vốn của Nhà nước và nhân dân trong việc đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Huyền Trang