Vì vậy, việc hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp là rất cần thiết để các ngân hàng có niềm tin trong kiểm soát nguồn vốn nhằm giúp các HTX tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn.
Chìa khóa mở gói tín dụng ngân hàng
Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, TP Cần Thơ cho biết, HTX đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, kho bãi máy đập liên hợp, kho chứa 1.000 tấn, lò sấy công suất 40 tấn/mẻ, với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Cùng với các dịch vụ, HTX còn đủ điều kiện để sản xuất lúa giống cung cấp cho Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình với sản lượng 400 tấn/năm, sản xuất giống phục vụ cho nhu cầu tại chỗ với sản lượng khoảng 90 tấn/năm, cung cấp dịch vụ làm đất, thu hoạch, sấy lúa theo hợp đồng bao tiêu lúa gạo xuất khẩu với một số doanh nghiệp… Làm ăn kinh doanh có hiệu quả, thế nhưng HTX vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Lý do các HTX khó tiếp cận vốn vay ngân hàng là do không có tài sản đảm bảo và không đáp ứng được yêu cầu chặt chẽ khiến ngân hàng cảm thấy rủi ro khi cho vay. Để gỡ khó cho vấn đề này, mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã hình thành và cho vay gói tín dụng theo chuỗi giá trị nông nghiệp với lãi suất thấp từ 5 - 7%/năm, tham gia vào mô hình chuỗi là yêu cầu bắt buộc của khoản vay ưu đãi này.
Đại diện khối Ngân hàng bán lẻ của SCB cho biết: “Ngân hàng đã ký kết hợp tác với Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ để hình thành chuỗi giá trị sản xuất từ đầu vào cho đến đầu ra. Chúng tôi rất yên tâm, đầu ra được đảm bảo, khi đầu ra được đảm bảo thì nguồn thu của HTX được đảm bảo. Hiện, SCB và Ngân hàng nông nghiệp Đài Loan đã ký kết hợp tác để hỗ trợ vốn cho thành viên HTX vay với lãi suất ưu đãi. Các nhà tài trợ này cũng đã đồng hành thành lập Quỹ hỗ trợ thành viên HTX, Quỹ này sẽ là vốn đối ứng và hỗ trợ một phần lãi suất, để giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn có chi phí thấp”.
Tăng sức "đề kháng" cho nông dân
Tại Tây Ninh, nhiều HTX đã tiếp cận được nguồn vốn vay này, với việc liên kết sản suất rau, củ, quả cùng Công ty Lavifood. Với mô hình này, nông dân được hỗ trợ trong khâu sản xuất cũng như chế biến và bao tiêu đầu ra góp phần đảm bảo trả nợ cho ngân hàng của thành viên HTX. Thực tế mô hình này khiến ngân hàng cũng mạnh dạn cho vay, dù HTX hay nông dân có thể không có tài sản thế chấp.
Gói tín dụng được mở sẽ hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: Internet) |
Ông Dương Văn Lâm, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Gò Dầu (Tây Ninh), cho biết hiện diện tích sản xuất của HTX là hơn 17 ha, trong đó có 5.700 m2 nhà màng công nghệ cao trồng rau quả các loại, HTX đã ký kết hợp tác với nhà máy Tanifood để cung cấp sản phẩm đầu ra cho nhà máy, HTX cũng đã chuẩn bị hồ sơ vay từ Quỹ hỗ trợ thành viên HTX để mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập của người nông dân.
Theo lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, việc ngân hàng tham gia vào chuỗi sản xuất cùng nông dân với vai trò hỗ trợ ngày càng quan trọng trong việc góp phần cho sản xuất kinh doanh. Khi ngân hàng tham gia vào chuỗi giá trị sẽ giúp tăng cường năng lực tài chính, góp phần vào tăng sức đề kháng cho các HTX trong chuỗi giá trị.
"Nông nghiệp là thành tố quan trọng của kinh tế quốc gia và những người nông dân đang chiếm đa số dân cư. Nhưng thị trường tài chính cho nông nghiệp luôn là một lĩnh vực chứa nhiều rủi ro vì những yếu tố khách quan như được mùa mất giá, dịch bệnh, thị trường… Để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu tài chính cần thiết trong hoạt động nông nghiệp, chúng ta cần có một chính sách đặc biệt để hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực này", đại diện SCB chia sẻ.
Châu Thành