HTX GÓP PHẦN XÓA NGHÈO TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Sau 18 năm tu nghiệp về Marketing và kỹ thuật sản suất, chế biến chè ở nhiều nước trên thế giới, năm 2017, anh Đào Đức Hiếu đã gác công việc làm giảng viên khoa Marketing trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) lên xã Suối Giàng để cùng với chính quyền và Liên minh HTX tỉnh Yên Bái xây dựng và từng bước đưa thương hiệu chè Suối Giàng "bay xa".
Để tập hợp được người dân địa phương tích cực sản xuất chè sạch, từ đó nâng cao giá trị, năm 2019, anh Hiếu đã vận động được 8 thành viên khác cùng nhau đứng ra thành lập HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng.
Đưa thương hiệu chè “bay xa”
Anh Hiếu kể, trước đó anh đã tìm hiểu và biết phong tục tập quán của đồng bào người Mông ở Suối Giàng là sản xuất theo lối truyền thống, buôn bán tự do ngoài chợ nên giá trị không cao.
Anh Đào Đức Hiếu (người cầm bản đồ), Giám đốc HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng giới thiệu bản đồ chè Việt Nam trên bản đồ thế giới với đại diện Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái và Tổ chức ILO. |
Anh Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực tế công việc, những khó khăn càng bộc lộ rõ hơn, bởi nhận thức, tư duy của người dân khi đó còn nhiều hạn chế. Khó khăn không làm nản lòng người có khát vọng vươn lên, anh Hiếu cùng những người bạn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con thay đổi nhận thức, phương pháp thu hái, chăm sóc và chế biến chè.
Cùng với đó là làm nhà cộng đồng để xây dựng không gian văn hóa trà, mở lớp học cộng đồng về sản xuất chè hữu cơ, thu hái và bảo quản, chế biến, pha chế chè cho trẻ em và nữ thanh niên người Mông đang trong độ tuổi lao động.
“Để thay đổi tư duy làm chè của người Mông bản địa, cách hay nhất là truyền dạy cho những người trẻ, người trong độ tuổi lao động để sau khi học xong, mỗi học viên là những tuyên truyền viên về cách làm chè sạch, chè hữu cơ cho chính gia đình mình”, anh Hiếu nói.
Không chỉ thay đổi tư duy, nhận thức bằng các lớp tập huấn, năm 2019, anh Hiếu và những người bạn đã vận động được 8 thành viên tham gia và thành lập HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng.
Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng đã tiên phong trong việc thay đổi tư duy làm trà và thu mua chè của người dân để chế biến các sản phẩm bán ra thị trường trong và ngoài nước.
Theo đó, từ một cây chè cổ thụ, HTX đã chế biến được 4 loại trà phục vụ sở thích của từng người, người thích uống đậm, người thích uống vị thanh mát...
Thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào
Anh Vàng A Lồng, thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng chia sẻ, cây chè Suối Giàng có từ xa xưa, được mọc tự nhiên không cần chăm sóc vẫn cho búp. Thế nhưng, những năm gần đây, cây chè được HTX thu mua với giá ổn định. Được cán bộ xã dạy cách chăm sóc để cây phát triển tốt hơn, thu nhập của người dân khá hơn rất nhiều, nhờ vậy mà đời sống cả về vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.
Với đồng bào Mông ở Suối Giàng, điều đáng phấn khởi và tự hào là các sản phẩm chè của xã nhà đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hơn nữa, trong xã có HTX liên kết cùng sản xuất, người dân được bao tiêu sản phẩm với giá trung bình 20.000 đồng/kg chè búp tươi.
Từ chỗ bỏ hoang, nay đồng bào Mông đã biết bảo vệ, biết trồng, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ và đặc biệt là thu hái đúng quy trình, kỹ thuật. Với quy trình sản xuất hữu cơ tự nhiên, cây chè Shan tuyết vùng cao không mất chi phí vật tư bón phân, phun thuốc, nhưng việc thu hái đòi hỏi nhiều công sức hơn. Từ khi chè Suối Giàng được chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm Tuyết Sơn Trà, đến quần thể 400 cây chè Shan tuyết được công nhận cây di sản Việt Nam và nay là chứng nhận nguồn gốc hữu cơ quốc tế, chứng nhận OCOP 4 sao, người dân nơi đây đã thay đổi nhận thức trong trồng, chăm sóc và thu hái.
Với giá bình quân 10.000 - 12.000 đồng/kg, mỗi công thu hái cũng đạt từ 250 - 300 nghìn đồng, đó là thu nhập khá lớn đối với đồng bào các dân tộc vùng cao. Với việc áp dụng những quy trình trồng, chăm sóc mới, cây chè Shan tuyết sẽ ngày càng cho giá trị và thu nhập cao hơn.
Đặc biệt, với quy trình sản xuất không sử dụng các hóa chất như phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ, quá trình chế biến bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, mô hình sản xuất chè hữu cơ của HTX đã góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Điều này không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế do chất lượng tuyệt hảo của sản phẩm, mà còn giúp người dân thu lợi từ làm du lịch sinh thái trên chính trên mảnh đất quê hương, nơi được coi là cái nôi của cây chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh Yên Bái.
Ông Lường Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, ngoài những vườn chè được canh tác quanh năm thì các rừng chè cổ thụ ở Suối Giàng vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với du khách.
Tuổi đời của những cây chè Shan Tuyết ở đây phải tính đến hàng trăm năm tuổi, trong đó có cây lên đến 300 - 400 tuổi. Dù cao niên, nhưng cây không phát triển về chiều cao mà chỉ to ở gốc và tỏa cành lá sum suê.
Đại diện Liên minh HTX Việt Nam, Tổ chức ILO và Liên minh HTX tỉnh Yên Bái khảo sát và chụp ảnh lưu niệm với HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng. |
“Các HTX ra đời đã góp phần tháo gỡ những khó khăn cho địa phương như giải quyết việc làm, bảo tồn các di sản, bên cạnh đó giúp tiêu thụ các sản phẩm của bà con như gà, cá, rau... Từ đó, khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển kinh tế, chủ động đầu tư, nâng cấp, tu sửa khu du lịch, từng bước tạo nên tính chuyên nghiệp trong giao tiếp và phục vụ, nâng cao hiệu quả của công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương”, ông Lường Văn Tâm nói.
Ông Lường Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, các HTX ra đời đã phần nào tháo gỡ khó khăn và đưa thương hiệu chè Suối Giàng "bay xa".
Không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức của hàng trăm người dân xã Suối Giàng với hơn 97% là đồng bào dân tộc người Mông sinh sống, HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng còn vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - nay là Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ, ngành.
Đặc biệt, HTX còn vinh dự được Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng thương hiệu chè quốc gia, làm sản phẩm có chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, sánh ngang với thương hiệu “trà đạo” của Nhật Bản.
“Đây không chỉ là niềm vui của người dân và HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cũng như những người sản xuất ra sản phẩm chè Suối Giàng, mà còn khẳng định về chất lượng, thương hiệu chè của tỉnh Yên Bái và là niềm tự hào của người dân Việt”, Giám đốc Đào Đức Hiếu chia sẻ.
Bài 3: Thơm nồng vị hương quế
Phạm Duy