Quan sát phiên chợ Tết xanh – Quà Việt 2019 đang diễn ra ở Tp.HCM – một phiên chợ đặc biệt dành cho người tiêu dùng mua sắm các loại thực phẩm phục vụ Tết Kỷ Hợi – sẽ thấy sự thu hút đến từ những gian hàng đặc sản địa phương độc đáo, mới lạ và hấp dẫn.
Người mua khó tìm
Chẳng hạn, đặc sản miền núi của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La như thịt trâu gác bếp, chẩm chéo gia vị truyền thống, gạo nếp tan Mường Và – Sốp Cộp. Hoặc những sản phẩm thảo dược, tinh dầu, muối ngâm chân, quần áo thổ cẩm được vẽ bằng sáp ong do đồng bào HMông ở Sapa và người Chăm ở Ninh Thuận chế tác.
Chưa kể, phiên chợ Tết này còn trưng bày rất nhiều món đặc sản mang hương vị cổ truyền vùng Duyên hải Trung bộ như bánh bột lọc, kiệu Huế, muối với tôm phá Tam Giang, cơm rang Quảng Ngãi… Hay như món bánh tét Hai Lý (Trà Vinh), bánh dừa cổ truyền vùng Nam bộ.
Rất tiếc, với nhiều món đặc sản địa phương độc lạ, hấp dẫn như vậy, nhưng do trong khả năng giới hạn của ban tổ chức nên phiên chợ Tết nằm bó hẹp trong khuôn viên khiêm tốn và lượng người tiêu dùng (NTD) tìm đến với các đặc sản này cũng chỉ ở mức tương đối.
Ở góc độ một NTD, anh Nguyễn Thanh Minh (quận 12, Tp.HCM) cho biết phải mất một năm mới có cơ hội tìm lại được những món đặc sản ngon ở phiên chợ Tết đến hẹn lại lên này, bởi vì tìm mãi trong các siêu thị nhưng không thấy.
"Tôi không hiểu sao có những món đặc sản vùng miền được nhắc đến nhiều trên báo chí nhưng lại khó tìm thấy trong kệ hàng của siêu thị. Chẳng hạn muốn mua món chẩm chéo, thịt trâu gác bếp của Tây Bắc thì phải lên mạng internet để tìm hoặc phải chờ đến phiên chợ Tết, hay thi thoảng ở các hội chợ triển lãm, chứ không thấy, không biết cửa hàng, siêu thị nào ở Tp.HCM bày bán", anh Minh nói.
Còn ở góc độ của một người chuyên bán các món đặc sản địa phương ở tỉnh Lâm Đồng, chị Nguyễn Thị Hoa (quận 5, Tp.HCM) cho biết việc thuê mặt bằng để mở cửa hàng bán những món đặc sản lại không hiệu quả bằng việc bán qua kênh online (như Facebook, Zalo, các trang rao vặt).
Chị Hoa chia sẻ thời gian đầu, việc bán những món đặc sản lạ cũng không ít khó khăn vì chỉ lác đác vài người mua. Tuy nhiên, nhờ chị chủ động mua tên miền và thành lập website, liên tục đăng tin trên các mạng xã hội, NTD biết đến nhiều hơn.
"Những món đặc sản được làm theo phương pháp truyền thống, thủ công nên được nhiều người quan tâm, trong đó có cả Việt kiều và người nước ngoài. Cho nên, có nhiều khách đặt hàng online để mua đặc sản làm quà biếu và gửi ra nước ngoài trong dịp Tết này", chị Hoa nói.
Kênh bán lẻ các đặc sản địa phương còn hạn chế |
Yếu kênh bán lẻ
Trong khâu kết nối giữa siêu thị với đặc sản địa phương, gần đây chỉ thấy phía Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Central Group Việt Nam tổ chức Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc hồi tháng 11/2018 tại Big C An Lạc (quận Bình Tân, Tp.HCM) và một số siêu thị này tại Hà Nội với những đặc sản nổi tiếng của Tây Bắc như măng Kim Bôi, thị trâu gác bếp Yên Bái, thịt chua Phú Thọ, tương ớt Điện Biên…
Thế nhưng, sau tuần lễ đặc sản như vậy, khi quay lại Big C, NTD mỏi mắt cũng không tìm thấy những món đặc sản Tây Bắc trên kệ hàng siêu thị!
Giữa tháng 1/2019, UBND tỉnh Bến Tre, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cũng phối hợp Tập đoàn Central Group tổ chức Hội chợ giới thiệu 120 sản phẩm Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bến Tre diễn ra tại siêu thị Big C An Lạc để phục vụ NTD Tp.HCM mua sắm Tết. Những đặc sản Bến Tre sau hội chợ giới thiệu có thể có trên kệ hàng của hệ thống siêu thị này một cách ổn định hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ ở phía trước.
Trước xu hướng phát triển các đặc sản địa phương như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng việc phát huy thế mạnh bản địa là điều rất tốt, nhưng cần làm sao để đầu ra được tốt hơn.
Là một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm và có sự tiếp xúc nhất định với những người kinh doanh đặc sản địa phương, ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long, cho rằng mỗi vùng miền đều có những tài nguyên thiên nhiên khác nhau và có nhiều bạn trẻ giỏi tại các địa phương, nhất là những người được đào tạo bài bản, chăm chỉ và muốn có cơ hội tạo sự khác biệt.
Tuy nhiên, việc tổ chức kênh bán lẻ của các đặc sản địa phương, theo giới chuyên gia, vẫn còn nhiều vấn đề cần mổ xẻ. Thực tế là vẫn còn việc trà trộn những đặc sản không rõ nguồn gốc để cung cấp cho NTD, việc giới thiệu quảng bá đặc sản cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Đồng thời, kênh thông tin phản hồi từ NTD tới người sản xuất và thông tin về sự điều chỉnh của người sản xuất để từ đó tạo ra những đặc sản địa phương thỏa mãn nhu cầu của NTD chưa được chú trọng đúng mức ở khâu bán lẻ.
Trong khi đó, các hoạt động nghiên cứu thăm dò thị hiếu tiêu dùng, tiếp thị đặc sản địa phương chưa lấy lợi ích của khách hàng là trọng yếu để cải tiến kênh bán lẻ đặc sản sao cho đáp ứng đa dạng nhất nhu cầu NTD về dạng chế biến đặc sản, cấp chất lượng hàng hóa, khối lượng đóng gói, bao bì, mẫu mã…
Thế Vinh