Nhiều đặc sản của Bến Tre thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như các đặc sản khô, mắm, sản phẩm từ dừa như mứt dừa, kẹo dừa, sữa dừa, nước cốt dừa, tinh dầu dừa, các loại bánh, kẹo, mứt, các loại trái cây và hoa kiểng, cây giống… đang hy vọng sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị Big C thông qua buổi kết nối cung – cầu mới đây giữa tỉnh Bến Tre với Tập đoàn Cetral Group của Thái Lan tại Tp.HCM.
Cần đặc sản sạch
Trước đó, hồi tháng 11/2018, ở Tp.HCM cũng từng tổ chức kết nối để tiêu thụ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc (như măng Kim Bôi, thịt trâu gác bếp Yên Bái, thịt chua Phú Thọ, tương ớt Điện Biên…) vào siêu thị Big C.
Việc tổ chức những buổi kết nối như vậy là rất cần thiết để tăng sức tiêu thụ đặc sản địa phương trong kênh phân phối hiện đại, trong đó có hệ thống siêu thị ngoại.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là các đặc sản này có đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của siêu thị ngoại hay không, bởi một trong những cam kết của các siêu thị với người tiêu dùng là tập trung cung cấp hàng hóa sạch, hàng có xuất xứ nguồn gốc.
Do được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ nên việc tìm ra hàng hóa đặc sản đã được kiểm chứng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến với người tiêu dùng là rất quan trọng.
Ở góc độ lãnh đạo địa phương đang theo đuổi chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập lưu ý người tiêu dùng đang cần sản phẩm sạch, có giá trị và người sản xuất cũng phải hiểu rõ vấn đề này.
Về nguồn gốc xuất xứ đặc sản địa phương, có thể thấy Bến Tre là một trong những địa phương có điều kiện tốt để thực hiện “mỗi xã một sản phẩm” do các thành phần kinh tế tư nhân (DN, hộ sản xuất) và kinh tế hợp tác thực hiện.
Đặc biệt, tỉnh này có những nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận như: bò Ba Tri; hoa cảnh, cây giống, cây ăn trái ở Chợ Lách và Châu Thành; các làng nghề chế biến cá khô ở các xã ven biển của hai huyện Ba Tri và Bình Đại…
Bến Tre cũng có vùng sản xuất dừa quy mô lớn nhất nước với hơn 70.000ha, chiếm gần 40% diện tích trồng dừa của cả nước, sản lượng gần 600 triệu quả/năm. Tỉnh này còn có các chương trình xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Tuy nhiên, để đưa được các đặc sản của Bến Tre và đặc sản ở các địa phương khác vào hệ thống siêu thị ngoại ở Việt Nam hay các siêu thị ở nước ngoài vẫn còn không ít việc phải làm.
Các đặc sản địa phương được ví như “món ngon, vật lạ” có nhiều triển vọng tiêu thụ tốt trong hệ thống kênh bán lẻ hiện đại |
Chờ “giấy thông hành”
Tại các thị trường khó tính hơn, hàng hóa xuất khẩu phải có giấy chứng nhận quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chứng chỉ Global GAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) được xem là “giấy thông hành” tốt để đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối trên thế giới.
Trong vai trò đại diện nhà thu mua và phân phối của Thái Lan, bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam), nhấn mạnh nếu các DN Việt có nhu cầu đưa hàng hóa đặc sản, nông sản thực phẩm vào hệ thống của Mega Market cần để ý ba tiêu chí: Tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã đẹp và đảm bảo về thời hạn sử dụng.
Còn theo Ts. Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT tại Australia), để tiêu thụ tốt đặc sản địa phương hay nông sản bản địa cần đặc biệt chú trọng đến tính an toàn thực phẩm để đáp ứng tốt yêu cầu của giới tiêu thụ về: Sạch, an toàn; chất lượng cao; giá phải chăng; minh bạch, đúng hẹn.
Ông Phạm Việt Anh, đại diện Tổ chức Global GAP Việt Nam, cho biết hiện nay, các nhà bán lẻ ở khắp nơi trên thế giới kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng hàng hóa, vì vậy các DN Việt Nam phải quan tâm đến chứng chỉ Global GAP.
Thế nhưng, các DN nhỏ hay các hộ sản xuất, HTX tham gia OCOP hiện nay đều có quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên khó đạt được Global GAP trong ngắn hạn vì tiêu chuẩn này rất cao.
Do vậy, với các đặc sản địa phương hay các sản phẩm nông sản thực phẩm, ông Phạm Việt Anh cho rằng nên thực hiện Local GAP thì sẽ có nhiều lợi thế hơn, vì đây là giai đoạn chuyển tiếp để các DN, nhà sản xuất có cơ hội chuyển sang Global GAP.
“Khi đó, các DN sẽ được cấp một mã số. Những nhà bán lẻ trên thế giới nhìn vào và thấy DN đã phần nào thực hiện theo chuẩn Global GAP, họ sẽ kết nối để mua hàng, nên cơ hội để bán trong nước và quốc tế sẽ lớn hơn rất nhiều”, ông Việt Anh chia sẻ.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, trách nhiệm của các nhà bán lẻ rất quan trọng, cho nên họ bắt buộc nhà sản xuất phải có chứng chỉ Global GAP, khi chưa có chứng chỉ này thì chứng nhận Local GAP được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu DN muốn thâm nhập mạnh hơn vào thị trường thế giới thì phải quan tâm đến chứng chỉ Global GAP”.
Thế Vinh