Mặc dù cam sành được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có giá trị kinh tế cao, là cây mũi nhọn, trong phát triển kinh tế, làm giàu của người nông dân, song theo Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (Hà Giang) Trần Trung Thuyết, hơn 250ha cam VietGAP và gần 200ha chưa đạt tiêu chuẩn an toàn của HTX vẫn chủ yếu tiêu thụ quả tươi.
Sản phẩm chưa đa dạng
Trong khi đó, giao thông địa phương chưa phát triển nên phương thức vận chuyển cam chủ yếu theo phương pháp thủ công. Người dân cũng chưa có các thiết bị thu hái, vận chuyển chuyên dụng nên dễ gây tổn thương bề mặt quả, khiến sản phẩm nhanh thối, mốc, gây tổn thất sau thu hoạch. Do vậy, chưa phát huy được hết tiềm năng cũng như giá trị hàng hóa của cam.
Có thể thấy, tình trạng hiện nay của nhiều HTX đang gặp phải đó chính là chất lượng sản phẩm của HTX chưa cao, chưa đa dạng. Đa số các HTX đều chưa có dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất, chế biến những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đồng đều nên tiêu thụ còn khó khăn.
Ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX măng tre Thành Tâm (Bình Phước) cho biết dù đã chế biến măng nhưng để phục vụ xuất khẩu với số lượng lớn đối với HTX rất khó. Lý do là măng khô của HTX hiện đều chế biến thủ công nên dễ đổi màu.
Theo thống kê, sản lượng rau củ quả Việt Nam hằng năm đạt 31 triệu tấn, trong đó, sản phẩm rau củ quả do HTX sản xuất ra chiếm đến 70% nhưng tỉ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 20-25%. Điều này một mặt khiến giá trị nông sản của HTX không được gia tăng, mặt khác nguy cơ chịu thiệt hại kinh tế do lượng rau củ quả hư hỏng sau thu hoạch, vận chuyển đến nơi tiêu thụ là rất lớn.
Theo tính toán, nếu đa dạng được sản phẩm và nâng cao giá trị nông sản bằng máy móc hiện đại sẽ giúp HTX thu về được nhiều lợi nhuận hơn, đồng thời giải quyết các vấn đề về môi trường, mở rộng đầu ra…
Chẳng hạn, theo tính toán của ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (Hà Nội), hàng năm, HTX phải loại bỏ hàng trăm tấn củ cải không đạt tiêu chuẩn. Nếu có máy móc sơ chế, chế biến chỗ củ cải này, HTX sẽ thu về được hàng chục tỷ đồng mỗi năm vì đầu ra của sản phẩm củ cải sấy rất rộng mở, thời gian bảo quản cũng kéo dài từ 12-36 tháng. Trong khi củ cải tươi chỉ trong khoảng 5-7 ngày đã giảm chất lượng, khó tiêu thụ.
Nếu củ cải được sấy khô bằng máy móc sẽ giúp HTX Đông Cao thu về tiền tỷ mỗi năm. |
Vẫn biết đầu tư sơ chế, chế biến sâu nhưng hầu hết các HTX đều cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đó chính là chưa đủ khả năng để đầu tư máy móc, dây chuyền sơ chế, chế biến hiện đại. Đi liền với đó là quá trình tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng còn khó khăn.
“HTX rất muốn đầu tư hệ thống kho lạnh và máy móc để bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, nhưng không đủ tiềm lực về vốn. Thành viên sản xuất rau cũng chỉ đủ tiền để quay vòng vốn mua giống, phân, thuốc gối vụ”, ông Đua nói.
Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay chưa đến 20% HTX có khả năng chủ động về nguồn vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các HTX rất hạn chế, chỉ chưa đến 10% trên tổng số hơn 27.000 HTX trong cả nước có thể tiếp cận vốn tín dụng.
Việc vay vốn đối với HTX hết sức nan giải bởi chưa tiếp cận được nhiều tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách tín dụng, không có tài sản thế chấp… Chính vì vậy mà dù rất hiểu việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư cho chế biến sâu là cần thiết nhưng nhiều HTX vẫn chưa thể làm được điều này.
Mở rộng sản phẩm chế biến
Thực tế hiện nay, việc khuyến khích các HTX đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản còn nhiều hạn chế. Một số cơ chế, chính sách được Nhà nước ban hành nhưng gặp khó đưa vào thực tiễn. Điển hình như Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tuy ra đời nhiều năm nhưng rất ít HTX được thụ hưởng do thủ tục hồ sơ rất phức tạp.
Do các HTX khó khăn trong hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nên cũng khó thu hút, liên kết với doanh nghiệp cùng tham gia để đầu tư chế biến. Bởi thực tế có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các nhà máy chế biến nhưng lại rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu.
Việc tiếp cận cơ chế, chính sách đã khó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn khó khăn hơn khiến nhiều HTX hiện nay phải “tự thân vận động”. Tuy nhiên, do việc huy động vốn của HTX còn nhiều khó khăn, chủ yếu là từ người thân nên máy móc, công nghệ không được hiện đại, đồng bộ. Sản phẩm vì vậy cũng chưa thể đa dạng, giá trị gia tăng chưa cao.
Chính vì thế, để sản phẩm nông sản sau thu hoạch của HTX được gia tăng giá trị, điều cần làm là phải tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Và để làm được điều này, ngoài tạo điều kiện cho các HTX về dồn điền đổi thửa thì Nghị định số 98/NĐ-CP cần được đi vào thực tiễn.
Hiện nay, nghị định 98 có nhiều văn bản dưới luật, trong đó có nhiều văn bản đang gây khó cho HTX trong quá trình hoàn thiện thủ tục. Do đó cần có hướng dẫn cụ thể để các HTX dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, nghị định đang gắn vào các dự án hỗ trợ sau đầu tư nên các HTX muốn tham gia phải có tiềm lực lớn. Điều này với hầu hết các HTX là rất khó vì quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu thốn đủ bề…
Ngoài vấn đề trên, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho các HTX được hỗ trợ vốn vay ưu đãi một cách nhanh chóng, thuận lợi để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, nhà sơ chế, kho bảo quản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Nguyễn Quyết, Phó Giám đốc HTX thủy sản Hoàng Kim (Yên Bái) cho biết, hiện nhiều HTX đã chủ động đầu tư tiền tỷ vào phát triển sản xuất nên muốn hoàn thiện chuỗi lại cần nguồn vốn lớn hơn. Trong khi chính sách hỗ trợ về vốn hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện cho mô hình kinh tế tập thể.
Chính vì vậy, làm thế nào để người dân, HTX tin vào chính quyền địa phương, tin vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và làm theo sự hướng dẫn là hết sức quan trọng. “Muốn vậy phải hỗ trợ đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp HTX tiếp cận với máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Quyết nói.
Huyền Trang