Khi xăng dầu tạm thời không tăng mạnh là lúc các HTX nghề cá, đánh bắt xa bờ đẩy mạnh ra khơi nhằm bù lỗ cho những ngày “nằm bờ” bởi giá nhiên liệu tăng. Tuy nhiên, nhiều HTX trong lĩnh vực này phải lỡ dở vì thiếu lao động đồng hành trong những chuyến ra khơi.
Phập phồng tìm lao động
Ông Phan Hiển, Giám đốc HTX dịch vụ và khai thác xa bờ Phổ Thạnh (Quảng Ngãi) cho biết tùy vào công suất lớn hay nhỏ mà mỗi tàu cần số lượng lao động nhất định. Những tàu bé, công suất khoảng 600CV và tùy vào thời gian bám biển có thể cần số lượng người từ 10-15 hoặc 20. Những tàu có công suất 948 CV trở lên, mỗi chuyến có thể cần đến 50 lao động nếu bám biển trong khoảng 2-3 tháng.
Do thiếu lao động, HTX Phổ Thạnh phải chạy đôn chạy đáo để tìm lao động cho đủ các chuyến đi biển nhưng đều rất khó khăn. Thậm chí, HTX đã phải đặt tiền trước mà vẫn phải lo ngay ngáy vì nhiều trường hợp đến gần ngày xuất bến lại không liên lạc được.
Nguyên nhân được các HTX đưa ra là do hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển ngày càng khó khăn do chi phí tăng cao, nguồn lợi thủy sản giảm. Nếu như trước đây, trung bình một chuyến đi biển kéo dài 2 - 3 tháng, mỗi lao động có thể thu về khoảng 13- 15 triệu đồng thì nay, nguồn thu nhập này chỉ còn khoảng 8 - 10 triệu đồng/người/chuyến.
Nhiều HTX nghề cá thiếu lao động đi biển, đặc biệt là lao động có chất lượng cao. |
Bên cạnh đó, việc trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển lại rất vất vả, khổ cực và nguy hiểm, nhiều rủi ro khiến nhiều người bỏ nghề lên bờ tìm việc mới mưu sinh. Nhiều gia đình dù có truyền thống làm nghề biển nhưng đến nay đều có mong muốn con cái học hành, có công việc ổn định trên bờ. Đặc biệt, có địa phương đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi xuất khẩu lao động để nâng cao đời sống. Do vậy nguồn lao động làm nghề đi biển ngày càng thiếu hụt. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Mỗi tàu cá cần ít nhất số lao động từ 10 người thì số lao động để bảo đảm hoạt động trong lĩnh vực này là không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương có thế mạnh phát triển kinh tế biển, thiếu lao động nghề cá từ người có kỹ năng đơn giản đến người có tay nghề cao là tình trạng phổ biến hiện nay nhưng các cơ quan quản lý hầu như chưa có giải pháp tháo gỡ kịp thời và hiệu quả.
Giải cơn khát lao động
Các HTX nghề cá, đánh bắt xa bờ không chỉ tạo nguồn việc làm rất lớn và đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người dân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước. Các HTX hoạt động trên biển tốt sẽ giúp nhiều ngành nghề khác như: đóng tàu, kho bãi, hậu cần nghề cá… phát triển theo. Đặc biệt, hoạt động của các HTX còn đóng góp không nhỏ cho ngành thủy sản, thúc đẩy xuất khẩu.
Mang lại nhiều lợi ích như vậy nhưng các HTX trong lĩnh vực này lại khó khăn trong thu hút lao động. Nguyên nhân là nghề đi biển vất vả, nhiều rủi ro khiến người lao động thường xuyên đối mặt với thiên tai, địch họa nên lao động bổ sung vào nghề này càng ngày càng ít đi.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý hiện vẫn chưa quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này nên các lao động tại các HTX đánh bắt xa bờ chủ yếu là làm việc theo kiểu “cha truyền con nối”, thiếu các lao động được đào tạo bài bản.
TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng hiện nay, yêu cầu chất lượng hải sản phục vụ xuất khẩu ngày càng cao, công nghệ đóng tàu, đánh bắt thay đổi theo hướng hiện đại thì Nhà nước cần quan tâm đến đào tạo nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.
Phương án được TS Nguyễn Việt Thắng đưa ra, là cần có cơ chế riêng để thu hút nhiều người vào học ở lĩnh vực này, đồng thời thu hút nhiều trường mở các lớp đào tạo ngành nghề này theo hình thức đào tạo có địa chỉ, thay vì chỉ có một vài trường đào tạo nhưng có rất ít người đăng ký học như hiện nay.
"Hiện, các HTX nghề cá ở Việt Nam không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, rất cần có chính sách riêng để khuyến khích, hỗ trợ các mô hình này thay vì bị bỏ ngỏ như hiện nay", ông Thắng nói.
Còn theo Giám đốc HTX Đánh bắt xa bờ Bình Chánh (Quảng Ngãi), ông Phạm Hữu Ngọt, để thu hút được lao động, các ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho HTX vay vốn hỗ trợ dài hạn. Hiện, nhiều HTX không có tài sản thế chấp, giám đốc HTX phải tự lo, tự vay mượn bên ngoài nên HTX rất khó phát triển. Trong khi một chuyến đi biển cần rất nhiều vốn.
“Khi khơi thông được nguồn tín dụng, thực sự chăm lo cho sự phát triển của các HTX nghề cá thì sẽ thu hút được nhiều lao động hơn”, ông Ngọt nói.
Ngoài các giải pháp trên, các chuyên gia cho rằng các địa phương nên quan tâm hình thành các tổ hợp tác, HTX chuyên tư vấn, giới thiệu về nghề đánh bắt xa bờ hoặc HTX giới thiệu lao động nghề cá.
Các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực này sẽ liên kết chặt chẽ với các chủ tàu cá, HTX, cơ quan quản lý tại địa phương để tìm hiểu mức độ thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, các HTX này cũng phải kiểm tra trước tay nghề của người lao động xem có phù hợp với nghề đi biển hay không mới giới thiệu cho các chủ tàu, HTX.
Huyền Trang