Sáng 3/12, tại Hội nghị Phát triển kinh tế dưới rán rừng các vùng trung du miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, người nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý cùng nắm tay nhau để mở cánh cửa rừng. "Chúng ta phải chủ động tạo ra thị trường, chứ không để bà con mình sản xuất xong rồi phụ thuộc thương lái Trung Quốc".
Còn phụ thuộc thương lái Trung Quốc
Theo UBND tỉnh Điện Biên, trong những năm gần đây, nhiều mô hình phát triển sinh kế dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. |
Hiện nay, tỉnh Điện Biên có khoảng trên 900ha cây lâm sản ngoài gỗ được trồng theo các chương trình, dự án và trồng tự phát trong dân. Trong đó, các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng có khoảng 500ha; sản lượng sản phẩm thu hoạch năm 2020 đạt khoảng 400 tấn, giá trị đạt khoảng 16,2 tỷ đồng.
Điện Biên có khoảng trên 250 ha trồng các loài cây sa nhân, thảo quả đã cho thu hoạch ổn định hàng năm với giá trị thu nhập từ cây thảo quả khoảng 40-60 triệu đồng/ha/năm, cây sa nhân từ 60-100 triệu đồng/ha/năm.
Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay, việc phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị dưới tán rừng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu mang tính chất tự phát, chưa được đầu tư để trở thành sản phẩm hàng hóa.
Nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra sản phẩm của các loài cây này không ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua để đưa về các tỉnh miền xuôi hoặc xuất sang thị trường Trung Quốc (có năm thương lái đến thu mua rất nhiều, giá sản phẩm cao, không đủ sản phẩm để bán nhưng cũng có năm sản phẩm sơ chế ra không có người thu mua hoặc có thu mua nhưng với giá rất thấp), chưa hình thành được mối liên kết giữa doanh nghiệp và người thu mua. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào chế biến dược liệu, bởi sản lượng dược liệu chưa đủ lớn, không ổn định.
Theo đó, tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ ngành sớm tham mưu ban hành cơ chế, hướng dẫn thực hiện chính sách cho thuê môi trường rừng để phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới rán rừng. Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tập trung đất đai để thực hiện các dự án phát triển nông lâm nghiệp nói chung và phát triển kinh tế dưới tán rừng nói riêng.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Lào Cai cho biết, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn đạt 3.704,2ha (chưa kể 40.200ha quế, thảo quả), gồm một số loài dược liệu giá trị như sa nhân tím, chè dây, tam thất, thất diệp nhất chi hoa, thuốc tắm người Dao... Đầu ra cho sản xuất dược liệu về cơ bản ổn định, cho đến nay trên địa bàn tỉnh có 10 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tư nhân tham gia liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm dược liệu.
Việc phát triển lâm sản ngoài gỗ tuy đã có những kết quả nhất định, song người dân chủ yếu là phát triển tự phát, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, một số loài cây phát triển nhanh đem lại lợi ích cho người dân nhưng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng như thảo quả, sa nhân... Lào Cai kiến nghị hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ, hỗ trợ thành lập các HTX lâm nghiệp và xây dựng cấp chứng chỉ rừng.
Đại diện tỉnh Lai Châu cho biết, trên địa bàn hiện có 10.700ha lâm sản ngoài gỗ, dược liệu các loại, như sâm Lai Châu, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy, hà thủ ô... Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm từ cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ chủ yếu là thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc. Các sản phẩm chủ yếu được sơ chế, chế biến thô, thủ công chưa được áp dụng các phương pháp chế biến sâu trước khi xuất ra thị trường.
Hiện nay, chỉ có duy nhất một dự án liên kết trồng và tiêu thụ cây Atiso tại huyện Sìn Hồ; các loại dược liệu, lâm sản ngoài gỗ khác đều chưa có doanh nghiệp, HTX đứng ra tổ chức liên kết sản xất, thu mua và chế biến sản phẩm nên thị trường tiêu thụ không ổn định.
'Mở cánh cửa rừng'
Phân tích những vướng mắc trong liên kết, tổ chức sản xuất, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước mới có 8 dự án liên kết sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp và 7 kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ được các địa phương phê duyệt (trong tổng số 579 dự án liên kết và 354 kế hoạch liên kết trong toàn lĩnh vực nông lâm thủy sản được phê duyệt).
Thị trường cho các loại dược liệu, cây trồng ngoài lâm sản còn phụ thuộc thương lái Trung Quốc. |
Tỷ lệ giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ được sản xuất dưới các hình thức liên kết mới đạt 3,74% (thấp nhất trong 13 sản phẩm chủ lực). Số HTX lâm nghiệp chiếm 1,02% (181 HTX), tổ hợp tác chiếm 1,03% (320 tổ hợp tác) và 129 trang trại, chiếm 0,65% trang trại trên địa bàn cả nước.
Các mô hình liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng rừng còn ít, doanh nghiệp chế biến trong nước thường hoạt động đơn lẻ, thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ.
Thêm vào đó, đa số các HTX lâm nghiệp hiện nay có quy mô nhỏ, vốn ít, doanh thu thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, thậm chí một số HTX chỉ hoạt động hình thức để trông chờ hỗ trợ của Nhà nước nên chưa thúc đẩy được việc liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu.
Nhìn nhận đây là lần đầu tiên có hội nghị chuyên đề về kinh tế dưới tán rừng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cần phải tìm ra con đường để mở cửa cánh rừng. "Vì sao bà con dân tộc trồng dược liệu lại cứ phải phụ thuộc thương lái Trung Quốc với giá rẻ? Làm sao để bà con có cuộc sống ấm no trên mảnh đất của mình sinh sống", ông Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện vừa qua khi đi công tác ở Phần Lan đã được tiếp cận với khái niệm rừng đa dụng: không tiếp cận rừng với tư duy gỗ mà tích hợp đa giá trị, người dân có cuộc sống ấm no từ rừng.
"Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ khác, nghĩ mới và nghĩ lớn hơn. Chứ trồng dược liệu hiện còn phân tán, tự phát, chưa tạo lập thành chuỗi giá trị dưới tán rừng", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nêu vấn đề.
"Đã đến lúc chúng ta phải đánh thức nàng công chúa đã ngủ trăm năm trong rừng", ông Hoan cho biết Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu đề án riêng cho vùng Tây Bắc về phát triển kinh tế dưới tán rừng. Sản phẩm phải được đầu tư, thiết bao bì, mẫu mã thu hút người dùng.
Bộ NN&PTNT khuyến nghị người nông dân, doanh nghiệp, HTX, chuyên gia, cơ quan quản lý "cùng nắm tay nhau để mở cánh cửa rừng". Phải chủ động tạo ra thị trường, chứ không để bà con sản xuất xong rồi phụ thuộc thương lái. Sản phẩm phải được đầu tư bao bì, chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, công nghệ chế biến...
Theo đó, Bộ trưởng NN&PTNT yêu cầu đẩy mạnh công tác khuyến nông từ giống, thành lập HTX cho tới phát triển thị trường cả về sản phẩm, du lịch.
"Việc này giống như câu chuyện mở cửa rừng, nếu đọc sai câu thần chú thì không bao giờ mở được. Tư duy hệ thống, hành động hệ thống sẽ giúp chúng ta phát triển được câu chuyện kinh tế dưới tán rừng", ông Hoan nhấn mạnh.
Lê Thúy