Xã Măng Ri là địa phương có diện tích trồng sâm lớn nhất huyện Tu Mơ Rông. Nhờ cây sâm mà diện mạo nông thôn nơi đây khởi sắc từng ngày, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước thoát nghèo, kinh tế ngày càng phát triển.
Trồng sâm trên đất nông nghiệp
Gia đình chị Hlạng thuộc diện nghèo lâu năm của ở làng Pu Tá, xã Măng Ri. Tuy nhiên, được học mô hình phát triển kinh tế mới, chị đã chuyển đổi từ các loại cây nông nghiệp sang trồng sâm, và trở thành người Xê Đăng tiên phong trồng sâm ở lòng chảo Măng Ri sương mù này.
Chị Hlạng kể, năm 2009, chị chuyển đổi 1ha đất trồng cây nông nghiệp sang trồng sâm dây. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cây sâm phát triển tốt, không chỉ thu hồi vốn mà còn nhanh chóng có lãi.
Cây dược liệu mang lại ấm no cho người dân Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông. |
Từ năm 2012, trung bình mỗi năm, gia đình chị Hlạng thu trên 100 triệu đồng từ sâm dây. Thấy chị trồng sâm hiệu quả, bà con trong làng học hỏi làm theo. "Ai không biết cách, thì tôi hướng dẫn, biết gì chỉ đó. Đến nay, cả làng trồng sâm dây, tôi làm đầu mối đứng ra thu mua sâm đưa về miền xuôi giúp bà con”, chị Hlạng nói.
Không chỉ trồng sâm trên đất nông nghiệp, nhiều hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng ít đất sản xuất còn nhận chăm sóc sâm cho doanh nghiệp và thuê đất rừng để tự trồng sâm, nhờ vậy nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, toàn xã có hơn 500 hộ, hơn 1.830 khẩu. Hiện nay, có 300 hộ liên kết với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh. Mỗi hộ sẽ được giao khoán chăm sóc, Công ty trả từ 3- 4 triệu/tháng, đồng thời hỗ trợ thêm 21kg gạo, muối, bột ngọt, dầu ăn, cá khô… và hỗ trợ cây giống để trồng thêm.
“Ngoài ra, nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang trồng sâm dây và các loại dược liệu khác. Nhờ trồng sâm mà nhiều năm nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm nhanh, đời sống người dân được nâng cao”, ông Thành phấn khởi cho biết.
Đồng hành với các HTX
Không chỉ hỗ trợ người dân, những năm gần đây, huyện Tu Mơ Rông đã đẩy mạnh hỗ trợ các HTX trồng, sản xuất, chế biến dược liệu, từ đó từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm… góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.
Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, để các sản phẩm của huyện Tu Mơ Rông vươn ra thị trường bên ngoài, huyện đã và đang tạo mọi điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX… đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa bàn, nhất là xây dựng nhà máy chế biến, sơ chế các loại sản phẩm từ cây dược liệu và cà phê xứ lạnh...
Theo đó, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã có HTX Dược liệu Ngọc Lây và HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông thực hiện chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cây sâm dây, cà phê xứ lạnh với các hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Lây, tiến tới hình thành các sản phẩm mang thương hiệu ở Ngọc Lây.
“Năm 2019, sản phẩm cà phê rang xay của HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện, HTX đang tiếp tục nghiên cứu làm sản phẩm từ dược liệu mang thương hiệu Tu Mơ Rông”, ông A Hơn thông tin.
Đồng bào Xê Đăng ở Tu Mơ Rông phát triển dược liệu. |
Ông Nguyễn Tiến Thuật, Giám đốc HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cho biết, thời gian qua, cùng với các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ của địa phương về vốn và hạ tầng, HTX cũng nhận được sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả từ phía Liên minh HTX Việt Nam. Cụ thể, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao máy sấy lạnh tách ẩm tự động cho HTX với trị giá 220 triệu đồng. Trong đó, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 150 triệu đồng, HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đối ứng 70 triệu đồng.
Đây là chương trình hỗ trợ HTX phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam. Sự hỗ trợ này đã giúp cho HTX có điều kiện để đi sâu vào chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng các sản phẩm dược liệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Ngoài sản phẩm cà phê, hiện chúng tôi đang liên kết với người dân phát triển vùng trồng dược liệu hơn 20 ha và sẽ bao tiêu sản phẩm cho người dân. Từ nguồn dược liệu đó, sau này chúng tôi sẽ tinh chế thành các sản phẩm như trà túi lọc, sâm linh chi, trà thảo mộc, các loại thuốc nam dạng cao… lấy nguồn gốc xuất xứ từ vùng núi Tu Mơ Rông”, ông Thuật cho biết thêm.
Để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, năm 2019, Tu Mơ Rông đã tổ chức xếp hạng cho một số sản phẩm như Collagen sâm Ngọc Linh, Trà sâm Ngọc Linh hòa tan, Trà túi lọc Sâm dây, Sâm dây khô hút chân không, Trà túi lọc ngũ vị tử... của các chủ thể là hộ cá thể và HTX chuyên sản xuất dược liệu. Huyện cũng đã xây dựng và đăng ký sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với 4 sản phẩm: Sâm dây, Ngũ vị tử, Sơn tra và Sâm đương quy. Đặc biệt, sản phẩm Ngọc Linh ở xã Măng Ri và Ngọc Lây đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Có thể thấy, các cơ chế chính sách của chính quyền huyện Tu Mơ Rông khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX … tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu đã và đang từng bước phát huy hiệu quả. Diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện không ngừng được phát triển qua từng năm. Đến năm 2021, toàn huyện phát triển được 726ha (đạt 96,8% chỉ tiêu Nghị quyết) diện tích cây dược liệu, tăng 706,76ha so với năm 2015… Qua đó, không chỉ giúp các HTX phát triển mà còn từng bước đưa đưa ngành dược liệu trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, khi mới thành lập, có đến gần 80% dân số của Tu Mơ Rông thuộc diện đói nghèo, sau 15 năm với sự nỗ lực vượt khó thì hiện tại con số hộ nghèo đã giảm mạnh, còn 34,52%. Đến nay, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 80% các tuyến đường liên thôn, liên huyện được đầu tư nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm huyện được đầu tư đồng bộ, dần hình thành khu đô thị trung tâm huyện. 100% xã có lưới điện quốc gia với 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và trên 75% số hộ dân được dùng nước sạch.
Phạm Duy
Bài cuối: "Điểm tựa" để phụ nữ nâng vị thế