Gia đình ông Vi Văn Toán, dân tộc Nùng ở thôn Lũng Phầy là hộ đầu tiên trồng cây mía trên địa bàn xã Chí Minh từ năm 2013. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm với diện tích ít, thấy hiệu quả nên từ năm 2016 đến nay, mỗi vụ gia đình ông duy trì diện tích trên 1 ha, hằng năm thu hoạch trên 80 tấn mía, thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Cây mía tạo sinh kế cho người dân
Ông Toán cho biết, khi mới chuyển sang trồng mía, gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong khâu chọn giống và chăm sóc. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền xã cùng sự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm qua Internet, gia đình ông đã ứng dụng thành công quy trình trồng chăm sóc mía.
Không chỉ trồng mía cho gia đình, ông Toán còn làm tổ trưởng mô hình trồng mía ở thôn Lũng Phầy với diện tích 21 ha của 44 hộ tham gia, phần lớn là người dân tộc Tày, Nùng. Năm 2020, mô hình thu hoạch được khoảng 2.000 tấn mía nguyên liệu, thu về hơn 1,9 tỷ đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Việc trồng mía những năm qua đã giúp người dân xã Chí Minh, huyện Tràng Định từng bước nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo. |
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng mía ở thôn Lũng Phầy, năm 2018, người dân ở một số thôn khác trên địa bàn xã đã đưa cây mía vào trồng như thôn: Cốc Toòng, Pác Bó… từ đó, nâng diện tích trồng mía toàn xã đạt gần 30 ha.
Tuy nhiên, giá mía vẫn bấp bênh, đầu ra cũng chưa thực sự ổn định, vì vậy, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trên địa bàn, từ đầu năm 2018, HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát được thành lập và đi vào hoạt động, với 7 thành viên, tham gia trồng hơn 5 ha mía. Tham gia HTX, các thành viên sản xuất tập trung hơn và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà máy chế biến ở Cao Bằng nên bà con yên tâm phát triển sản xuất. Ngay vụ đầu tiên cây phát triển tốt, sản lượng đạt trên 300 tấn.
Từ kết quả đạt được, năm 2019-2020, HTX mở rộng diện tích trồng mía thêm gần 20 ha, nâng tổng số diện tích lên hơn 24 ha và bao tiêu 30 ha mía của người dân trong xã. Năm 2021, HTX tiếp tục mở rộng và trồng thêm khoảng 12ha mía.
Để mía tiêu thụ ổn định, đảm bảo giá cả, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng bao tiêu toàn bộ diện tích mía nguyên liệu mà HTX ký hợp đồng từ đầu vụ với giá 1 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ người dân về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con trong xã.
Bà Nông Thị Hiệu, Giám đốc HTX cho biết, mía là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, sản lượng đạt cao. Cây mía cho lưu gốc, vì vậy trồng một lần có thể cho thu hoạch 3 năm mới phải trồng lại. Chỉ riêng trong năm 2020, HTX đã có trên 20 ha mía, khi thu hoạch, năng suất đạt 70 tấn/ha và được công ty thu mua toàn bộ sản phẩm. Việc tham gia HTX để sản xuất tập trung, sản phẩm làm ra có hợp đồng tiêu thụ với nhà máy chế biến nên bà con yên tâm sản xuất hơn.
Mở rộng mô hình sản xuất
Bên cạnh việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất đối với cây mía, từ tháng 4/2020, HTX đã triển khai trồng 5 ha cây dược liệu cà gai leo tại xã Quốc Khánh theo mô hình chuỗi liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm. HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long (Hà Nội), với giá công ty thu mua là 25 nghìn đồng/kg cây cà gai leo khô, vì vậy HTX không lo về đầu ra cho sản phẩm.
HTX nông lâm nghiệp Đồng Phát đã triển khai trồng 5 ha cây dược liệu cà gai leo tại xã Quốc Khánh theo mô hình chuỗi liên kết từ trồng đến tiêu thụ sản phẩm. |
Cây cà gai leo sau hơn 6 tháng chăm sóc, đến tháng 11/2020, cây bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên đạt 6 tấn, đem lại doanh thu hơn 130 triệu đồng. Riêng đối với loại cây này, một năm có thể cho thu hoạch 3 đợt, trong đó đợt 2 và đợt 3 sẽ cho sản lượng đạt cao hơn, đem lại giá trị kinh tế cao.
Nhờ hình thành liên kết chuỗi giá trị đã đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên HTX. Trong năm 2020, tổng doanh thu đem lại cho HTX đạt hơn 2,1 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ trồng mía đạt hơn 1,8 tỷ đồng, từ cây cà gai leo đạt hơn 130 triệu đồng (vụ đầu), tạo thu nhập ổn định cho các thành viên bình quân trên 40 triệu đồng/năm. Với diện tích cây trồng hiện có, dự kiến, trong năm nay, doanh thu của HTX cũng đạt khoảng 2,2-2,5 tỷ đồng.
Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết, HTX Nông lâm nghiệp Đồng Phát là một điểm sáng về hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
“Việc hình thành liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp không chỉ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, bớt nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa” mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên HTX cũng như các lao động tại địa phương”, ông Hà nói.
Có thể thấy, việc liên kết theo chuỗi giá trị góp phần quan trọng để đảm bảo sự bền vững, nâng cao được hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Đây là mô hình phù hợp để lan tỏa trên địa bàn huyện Tràng Định trong thời gian tới.
Duy Hồng
Bài 3: HTX liên kết từ trang trại đến bàn ăn