Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với đường nhập khẩu là cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước cạnh tranh không lành mạnh từ đường nhập khẩu. Nhờ đó, đã tạo hiệu ứng tốt cho các nhà máy sản xuất trong nước, tăng giá mua mía nguyên liệu cho nông dân so với trước khi áp thuế tạm thời.
Giá mía đã tăng 20%
Nhìn nhận xung quanh câu chuyện này, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đã có một số dấu hiệu tích cực từ khi Quyết định số 477 có hiệu lực như: Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500-2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020. Giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50.000-100.000 đồng/tấn (giá mua trung bình hiện tại dao động khoảng 950.000-1 triệu đồng/tấn).
Ngành mía đường đã qua cơn bĩ cực, nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh Int. |
Ở phía người trồng và sản xuất mía đường, bà Lê Thị Quỳnh Trang, Chủ tịch HTX Tân Tiến (tỉnh Gia Lai) cũng cho biết, tính từ đầu vụ thu hoạch đến thời điểm hiện tại, giá thu mua nguyên liệu của công ty mía đường của bà đối với vùng nguyên liệu đã tăng khoảng 20%.
Bà Trang cũng đánh giá việc thu mua tăng giá chưa phản ánh hết sự phát triển của ngành mía đường thời gian qua. Tính tới thời điểm này, bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách, áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với điều kiện thuận lợi về thời tiết đã giúp cho cây mía tăng năng suất.
"Đối với tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp như chúng tôi hiện tại có thể nói rằng là một vụ thu hoạch thành công. Tôi cho rằng, quyết định áp thuế đối với đường nhập khẩu của các cơ quan chức năng là một quyết định hợp lý và cần thiết. Quyết định này đã góp phần bảo vệ những người trồng mía như chúng tôi và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành mía đường, xuất khẩu mía đường phát huy được nội lực của mình”, Chủ tịch HTX Tân Tiến nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho rằng, ở thời điểm hiện tại khó khăn lớn nhất vẫn là việc kiểm soát đường nhập lậu. Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ, đường nhập lậu sẽ gây lũng đoạn giá đường trong nước. Đường các nhà máy sản xuất trong nước sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn như những năm trước đây.
"Bên cạnh đó việc nhập khẩu đường từ Thái Lan qua nước khác rồi nhập về Việt Nam cũng khó được kiểm soát sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại", ông Tam nói.
Khuyến khích người dân tham gia HTX trồng mía
Bà Lê Thị Quỳnh Trang – Chủ tịch Hợp tác xã Tân Tiến (Gia Lai) nhấn mạnh rằng, về lâu về dài, để cây mía phát triển ổn định, bền vững thì cần khuyến khích bà con nông dân trồng mía tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng diện tích.
“Từ việc thông qua hợp tác xã nông nghiệp sẽ thu hút chính sách hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ lại cho bà con nông dân phát triển cây mía. Đi cùng với đó, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ để Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm giảm chi phí sản xuất, đặc biệt có thêm chính sách hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh”, bà Trang nói.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), dự báo, niên vụ 2020-2021, tiếp tục sẽ thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy. Hiện tại, chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, tổng lượng mía Việt Nam chỉ đạt 5.290.000 tấn mía, tương đương 530.000 tấn đường. Tại thời điểm này, giá đường nội địa Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực. Chính vì vậy, cần có những giải pháp để tăng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tăng sức mạnh của ngành mía đường trong nước.
Theo thông tin từ ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, tới đây sẽ kiến nghị Bộ Công thương ban hành quyết định áp thuế tự vệ chính thức với sản phẩm mía đường nhập từ Thái Lan.
Đây chắc chắn là một giải pháp mạnh để “chặn” đường nhập từ Thái Lan, đồng thời cũng phù hợp với các cam kết quốc tế. Còn về lâu về dài, các chuyên gia cho rằng, để ngành mía đường có thể phát triển bền vững, đồng thời vừa phải thực hiện đúng cam kết ATIGA và hội nhập quốc tế, cạnh tranh sòng phẳng với đường nhập khẩu, nhất là đường từ Thái Lan, ngành mía đường phải khẩn trương tái cơ cấu đổi mới toàn diện nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, sớm hiện đại hóa các nhà máy, đa dạng các sản phẩm, phụ phẩm từ bã mía như điện, phân bón…
Còn về phía người trồng mía, không thể thiếu sự liên kết, chia sẻ lợi ích giữa nông dân và nhà máy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nghiên cứu giống mía mới năng suất chất lượng, chữ đường cao (CCS), ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, các nhà máy cần tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ đường, chế biến, sử dụng phế phụ phẩm từ sản xuất đường để gia tăng giá trị kinh tế của cây mía.
Quốc Anh