Doanh nghiệp mía đường mong muốn được ngân hàng giảm lãi vay. (Ảnh: Int) |
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam chia sẻ, do tác động của giá đường ngoại nhập chính ngạch rẻ và lượng nhập lậu đang có xu hướng gia tăng, nên sản lượng đường ở Việt Nam giảm 3 năm nay và bị tiêu thụ chậm. Từ đó dẫn đến hàng tồn kho cao, khiến người nông dân và doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn.
Khó vay vốn, lãi suất cao
Đại diện CTCP mía đường Cần Thơ cho biết, không chỉ gặp khó khăn trong tiêu thụ đường, mà DN còn gặp khó về tài chính. Hiện, công ty phải vay vốn với lãi suất thương mại, mặc dù đường không bán được, bị tồn kho nhưng đến hạn vẫn phải trả lãi ngân hàng, vì vậy dẫn đến việc khó cân đối tài chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN mía đường có nguy cơ phá sản.
Ông Nguyễn Văn Lộc cũng thừa nhận, "nút thắt" tín dụng đang là điểm yếu nhất của các DN ngành mía đường. “Hiện nay, các DN đang rất thiếu vốn để phục hồi sản xuất và hỗ trợ nông dân phục hồi vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, các ngân hàng lại đang thắt chặt tín dụng đối với ngành đường - vốn đã bị thiệt hại nghiêm trọng dưới tác động của đường nhập khẩu bán phá giá”, ông Lộc nêu thực trạng.
Chẳng hạn, hiện nay, CTCP mía đường Sóc Trăng đang đứng trước nguy cơ không đủ nguyên liệu để sản xuất đường. Vì vậy, để người nông dân không bỏ trồng mía, công ty hỗ trợ mỗi hộ nông dân khoảng 35 triệu đồng để trồng mía, cùng với đó hỗ trợ 2,5 triệu đồng chi phí làm đất.
"Tất cả những khoản đầu tư này, công ty không tính lãi để hỗ trợ người trồng mía, nhưng 1 đồng đi vay của ngân hàng thì chúng tôi vẫn phải trả lãi", Chủ tịch CTCP mía đường Sóc Trăng Trần Ngọc Hiếu cho biết.
Thực tế, nhìn vào báo cáo tài chính quý IV niên độ tài chính 2019/2020 của các DN mía đường có thể thấy trong cấu trúc vốn, tỷ lệ nợ vay ở mức cao và nguồn tiền dự trữ mỏng.
Chẳng hạn, tính đến 30/6/2020, dư nợ vay ngắn và dài hạn của CTCP mía đường Sơn La lên tới 448,4 tỷ đồng, chiếm 40% nguồn vốn, chi phí lãi vay trong năm qua chiếm đến 30,5% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chưa bao gồm hoạt động tài chính).
Tương tự, CTCP mía đường Lam Sơn cũng ghi nhận tỷ lệ chi phí lãi vay trên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lên đến 49,5%.
CTCP mía đường Kontum ghi nhận nợ vay chiếm đến 56,6% nguồn vốn, khiến chi phí lãi vay chiếm đến 86,1% - tức ăn gần hết lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mang lại.
Đứng trước tình trạng trên, đại diện Hiệp hội Mía đường Viêt Nam cho rằng, ngành mía đường đang cần các giải pháp hỗ trợ thiết thực trong vấn đề vay vốn và giảm lãi suất cho vay từ các cơ quan nhà nước để thiết lập sự công bằng trong việc cạnh tranh.
Gỡ khó cho DN để ngân hàng yên tâm cung ứng vốn
Trước những phản ánh và kiến nghị của các DN ngành mía đường, chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới diễn ra ngày 1/12, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, các chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn nói chung và ngành mía đường nói riêng để hỗ trợ bà con nông dân, HTX, DN hiện nay rất ưu đãi và khá đầy đủ.
Chính phủ đã ban hành một Nghị định riêng về chính sách tín dụng đối với phát triển khu vực nông thôn, với cơ chế mở và thoáng. Trong đó, DN trồng lúa, trồng mía, DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được vay vốn không cần tài sản đảm bảo lên đến 70-80% dự án.
Về vấn đề lãi suất, theo Quyết định 68/2013, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ bà con nông dân, HTX, DN đầu tư mua sắm thiết bị nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng, với mức hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ 3.
Riêng ngành ngân hàng, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, để hỗ trợ DN, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, tổng mức giảm từ 1,5-2%/năm nhằm tạo cơ hội cho các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi vay.
“So với các nước trong khu vực, Việt Nam có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất. Riêng lãi vay ngắn hạn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm đến 1,5%, hiện còn 4,5%/năm. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay là thấp nhất từ trước đến nay”, bà Tùng khẳng định.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng tiếp cận vốn cho khách hàng, như tạo thuận lợi về thủ tục, hồ sơ, thời gian cho vay nhanh gọn.
Tuy nhiên, do nhu cầu tín dụng năm nay thấp so với những năm trước, nên Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo TCTD tạo mọi biện pháp để mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế phục vụ sản xuất kinh doanh.
Dẫn chứng thêm, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, trường hợp một DN mía đường ở tỉnh Trà Vinh đang vay nợ ngân hàng 100 tỷ đồng và đang tìm các biện pháp bán hàng tồn kho để trả nợ, nhưng BIDV vẫn sẵn sàng cấp thêm vốn cho DN này.
Dù khẳng định ngành ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn cho các DN mía đường, song bà Tùng cũng nhấn mạnh hoạt động tín dụng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động hiệu quả và bảo đảm an toàn vốn. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường một cách cụ thể để phát triển bền vững, tạo điều kiện cho các TCTD sẵn sàng cung ứng vốn cho DN mía đường.
Trước đó, hồi đầu năm nay, chia sẻ với khó khăn của ngành mía đường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét tổng thể những vùng bị hạn hán, thiên tai, khó khăn để khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân và xem xét cho vay vốn ưu đãi để trồng mía và chế biến đường ở những khu vực có hiệu quả, những nhà máy có hiệu quả.
Thanh Hoa