Dự báo cho thấy, trong năm nay ngành đường nội địa sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong dài hạn, chẳng hạn như năng suất mía kém cạnh tranh hơn Thái Lan khiến chi phí sản xuất cao hơn.
Thái Lan bảo hộ, mía đường Việt hứng chịu
Hơn nữa, việc kiểm soát lỏng lẻo đối với đường nhập khẩu giá rẻ qua biên giới làm sai lệch cung cầu thị trường và giá đường. Việc Thái Lan có thể phục hồi sản lượng kể từ niên vụ 2021-2022 sẽ gây sức ép giảm lên giá đường.
Trước mức độ phá giá của đường Thái Lan, ngành mía đường nội địa rơi vào cảnh tồn kho, đầu ra khó khăn. |
Trong khi đó, hồi năm ngoái, giá đường Thái Lan xuất khẩu qua Việt Nam bình quân (gồm thô và tinh luyện) chỉ ở mức 327,7 USD/tấn, thấp hơn cả chi phí mía để làm đường nội địa (hiện khoảng 410 USD/tấn).
Xét về sức ép giá đường Thái Lan, giới chuyên gia cho rằng ở Thái Lan vẫn đang bảo hộ toàn diện ngành mía đường với ít nhất 1,3 tỷ USD/năm. Theo đó, nước này hằng năm chi hơn 700 triệu USD sử dụng cho mục đích trợ giá để bù đắp khi giá đường trên thế giới sụt giảm.
Người trồng mía ở Thái Lan được thanh toán trực tiếp mỗi năm khoảng hơn 500 triệu USD. Niên độ 2019-2020 Chính phủ Thái Lan tiếp tục trợ cấp bằng cách hỗ trợ cho nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất với tổng quỹ ngân sách 325 triệu USD.
Ngoài ra, mỗi năm Chính phủ còn chi cho người nông dân trồng mía Thái Lan từ 2-3 triệu USD cho công tác nghiên cứu giống mía để giao miễn phí cho nông dân và các nhà máy. Họ còn hỗ trợ 1-2% lãi suất cho nông dân đầu tư máy móc, miễn Thuế nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu…
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng kiểm soát chặt chẽ hạn ngạch nhập khẩu. Chính Phủ nước này duy trì tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận 70-30, trong đó 70% tổng doanh thu đường cho nông dân, 30% còn lại được phân bổ cho nhà chế biến.
Tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận này sẽ giúp các nhà máy đường đạt được tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định và tăng cường chuỗi cung ứng đường để cung cấp nhiều sản phẩm liên quan.
Nhìn vào những nỗ lực bảo hộ ngành mía đường của Thái Lan mới thấy việc hứng chịu hậu quả của ngành mía đường Việt Nam. Nhất là sau khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực thì sản lượng đường Thái Lan xuất khẩu vào Việt Nam tăng đột biến trong năm 2020.
Điều đáng nói, như phản ánh của các doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước từ năm ngoái thì ước tính biên độ phá giá của đường Thái Lan lên tới 37,9%. Đây chính là căn cứ để Bộ Công thương quyết định điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với các sản phẩm đường Thái Lan từ tháng 9/2020.
Lo cạnh tranh dài hạn
Trải qua gần 5 tháng điều tra, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan, trong tháng 2/2021 Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%.
Đây là lý do khiến cho ngành sản xuất mía đường trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua. Một loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động.
Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Lẽ ra, mức thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước, người tiêu dùng... Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế CBPG, CTC đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng khi có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế CBPG, CTC ở mức cao hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, động thái mạnh tay “nắn gân” đường nhập khẩu từ Thái Lan như vậy sẽ giúp mang lại những tác động tích cực trong ngắn hạn cho ngành đường của Việt Nam. Tuy nhiên, trong dài hạn thì ngành mía đường nội địa vẫn còn nhiều thách thức về bài toán cạnh tranh.
Bên cạnh đòn phòng vệ thương mại với đường Thái Lan thì điều cần làm cho ngành mía đường Việt Nam trong lúc này là thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nhất là các DN sản xuất đường nội địa rất cần nâng cấp công nghệ sản xuất.
Hơn nữa, các DN sản xuất đường trong nước cũng nên có chiến lược xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác phân phối. Đặc biệt, khi người tiêu dùng có mức độ trung thành thấp đối với các sản phẩm như đường và chất tạo ngọt, sự hỗ trợ của nhà phân phối là rất quan trọng đối với các DN để giữ sản phẩm đường của họ tiếp cận người tiêu dùng mục tiêu được tốt hơn.
Thế Vinh