Thị xã Kinh Môn có gần 1.400 ha rừng, diện tích rừng lớn kết hợp với nguồn hoa từ rừng phong phú và trên địa bàn có nhiều diện tích cây ăn quả là điều kiện tự nhiên để người dân địa phương phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
"Vựa mật" từ thiên nhiên
Hàng năm, vào thời điểm tháng 3 đến tháng 8, khi dãy núi An Phụ và những ruộng vườn cây ăn quả hoa nở rộ, hàng trăm hộ nuôi ong ở thị xã Kinh Môn khai thác mật ngọt ngay tại địa phương.
Mật ong rừng Kinh Môn có độ sánh vàng, thơm ngon đặc trưng (Ảnh: TL) |
Điều đặc biệt là trên dãy núi An Phụ có nhiều loài hoa từ những loại cây cho mật chất lượng cao và 36 loài cây quý hiếm của 36 tỉnh, thành phố được đưa về trồng trên vườn thực vật tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt này là những yếu tố tạo thành sản phẩm mật ong Kinh Môn có độ sánh vàng, thơm ngon đặc trưng, được cơ quan chức năng cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, làm thế nào để đưa mật ong rừng Kinh Môn đi xa hơn vẫn là nỗi lòng trăn trở của hàng trăm hộ nuôi ong, cũng như các cấp quản lý. Vì vậy, năm 2019, HTX nuôi ong nội rừng Kinh Môn được thành lập, với gần 30 thành viên tham gia. Việc thành lập HTX tạo cơ hội để các thành viên và người dân địa phương có hướng đi mới phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật, cung cấp ra thị trường nguồn mật quý từ thiên nhiên.
Theo ông Nguyễn Đức Thả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nuôi ong nội rừng Kinh Môn, để có vùng nguyên liệu an toàn cho ong lấy mật, các địa phương của thị xã phải quản lý tốt diện tích đất rừng, phát triển rừng, đồng thời kiểm soát sự du nhập của những giống ong lạ, ong ngoại lai xâm thực, tránh gây hại cho giống ong nội.
Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng thương hiệu mật ong nội rừng Kinh Môn có chất lượng ưu việt so với các sản phẩm mật ong nuôi khác, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu, tiêu chí để tham gia HTX là các thành viên có mô hình nuôi ong nhưng phải theo hướng hữu cơ an toàn sinh học (tức là nuôi ong nội lấy mật hoàn toàn từ hoa ven rừng thuộc dãy núi An Phụ).
Hội đồng quản trị HTX sẽ đầu tư máy móc, thiết bị để làm thương hiệu mật ong nội rừng Kinh Môn, đưa sản phẩm này trở thành một trong những sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu của thị xã Kinh Môn trên thị trường.
Hướng đi mới trong phát triển kinh tế
Hơn nữa, thực tế cho thấy, nuôi ong lấy mật với quy mô vừa và nhỏ rất phù hợp với nhiều gia đình có diện tích đồi rừng ở Kinh Môn. HTX ra đời sẽ tạo động lực giúp các thành viên và người dân trên địa bàn tạo hướng đi mới để phát triển kinh tế.
Nghề nuôi ong ở Kinh Môn mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương (Ảnh: TL) |
Ông Nguyễn Kim Thích, khu dân cư Kim Xuyên 4, phường An Sinh cho biết, mỗi năm gia đình ông thu hơn 700 lít mật, với giá bán mỗi lít khoảng 200 nghìn đồng, kết hợp bán các sản phẩm khác từ ong như sáp, phấn hoa và nhân giống bán cho các hộ gia đình khác, trung bình thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, nghề nuôi ong ở Kinh Môn có nhiều lợi thế để phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Để thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, thị xã đã tăng cường xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, trong đó có mật ong rừng. Mật ong cũng là một trong những đặc sản của thị xã được lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP giai đoạn 2016-2020.
Vận dụng kinh nghiệm, kết hợp đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sẽ là những yếu tố thuận lợi để mật ong nội rừng Kinh Môn trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương, từ đó nhân rộng nghề nuôi ong.
Nhiều năm qua, Kinh Môn là một trong những địa phương ở tỉnh Hải Dương được đánh giá cao trong thực hiện các chính sách giảm nghèo. Theo kết quả rà soát mới nhất vào cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở thị xã Kinh Môn là 1,55%, giảm 6,19% so với năm 2016.
Để có kết quả này, việc đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất, nhân rộng nghề truyền thống như nuôi ong lấy mật từ hoa rừng được xem là điều kiện tiên quyết để đời sống kinh tế - xã hội ở thị xã Kinh Môn ngày càng đi lên.
Thy Lê