Tất cả các sản phẩm của HTX Hợp Tiến sản xuất khép kín từ khâu khai thác, thu mua nguyên liệu, chế biến đến đóng gói bao bì, nhãn mác...
Sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo
Hiện nay, đàn ong trên địa bàn huyện Bình Liêu có khoảng 2.700 tổ, hàng năm cho ra sản lượng hơn 12.000 lít mật. Ong được nuôi rải rác tại hộ dân ở các xã, thị trấn trong toàn huyện, mật ong được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành lân cận. HTX Hợp Tiến có 8 thành viên với hơn 600 tổ ong, năm 2019 cung cấp ra thị trường gần 2.000 lít mật.
Anh Lã Văn Hà, thôn Pắc Liềng là thành viên của HTX Hợp Tiến, có cơ ngơi gần 100 tổ ong, gia đình “cha truyền con nối” với nghề nuôi ong. Anh Hà phấn khởi cho biết: “Nghề nuôi ong ở Bình Liêu, nói đúng hơn là bảo tồn loài ong, vì người nuôi chỉ làm tổ cho ong, còn con ong tự đi kiếm mật từ các loài hoa tự nhiên trong rừng về. Mật ong của chúng tôi tiêu thụ rất tốt, được khách hàng ưa chuộng".
"Hiện tại trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mật ong rừng, nhưng để mua được một sản phẩm tốt và chính hãng Bình Liêu thì khách hàng cần tìm địa chỉ uy tín và đúng nguồn gốc xuất xứ để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tất cả các sản phẩm mật ong rừng Bình Liêu do HTX Hợp Tiến sản xuất đều có tem, mác và bao bì ghi rõ nơi sản xuất, số điện thoại liên hệ", anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Hợp Tiến chia sẻ.
Sản phẩm mật ong rừng Bình Liêu của HTX Hợp Tiến (Ảnh: TL) |
Theo anh Tiến, để phân biệt mật ong rừng nguyên chất hay mật nấu từ đường, khách hàng có thể dùng một số cách thử sau: Dùng một cốc nước múc một ít mật ong cho vào cốc nước khuấy nhẹ: mật ong thật sẽ rất khó tan, dính chặt vào muỗng, mật ong giả làm từ nước đường sẽ tan nhanh chóng; lấy sợi bấc của nến nhúng vào mật ong rồi đốt: mật ong thật sẽ làm nến không cháy được, nếu không có nến thì có thể dùng vải sợi cotton để thử; nhỏ mật ong vào khăn giấy: mật ong thật sẽ không thấm qua giấy còn mật ong giả sẽ thấm vào giấy nhanh chóng.
Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã công nhận sản phẩm mật ong của HTX Hợp Tiến đạt 3 sao tại Cuộc thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), và Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam chứng nhận sản phẩm của HTX đạt danh hiệu “Sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng”...
Nuôi ong gắn với trồng rừng
Mật ong Bình Liêu hiện được lấy từ hai nguồn: từ các tổ ong tự nhiên và từ các tổ ong nuôi trên thôn, khe, bản. Về chất lượng của hai loại mật này tương đương nhau bởi tiếng là nuôi nhưng các tổ ong vẫn nuôi trên rừng và đàn ong lấy nguồn thức ăn từ rừng tự nhiên.
Nuôi ong gắn với trồng cây sở góp phần giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu (ảnh TL) |
Trong những năm gần đây, huyện Bình Liêu rất chú trọng phát triển các rừng cây lâu năm tạo nguồn hoa dồi dào, giúp đàn ong phát triển tốt và nâng cao chất lượng mật. Toàn huyện hiện có hơn 5.000 ha rừng trồng các loại cây lâu năm như hồi, sở, quế, trám, thông... Hoa từ các loại cây này là nguồn thức ăn lý tưởng cho đàn ong phát triển.
Từ năm 2015, khi Hội hoa Sở đầu tiên được tổ chức tại thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, thì cây sở được nhân dân toàn huyện Bình Liêu chú trọng trồng. Người dân tích cực vào cuộc phát triển rất nhanh các rừng sở, từ 30ha năm 2015 đến nay đạt hơn 468 ha. Cây sở được dùng để lấy hạt ép dầu ăn, các khu rừng sở còn cung cấp lượng hoa dồi dào để nuôi sống các đàn ong.
Ở bản Loòng Vài (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) cũng rất phát triển nghề nuôi ong. Loòng Vài có 62 hộ dân, 100% bà con trong bản đều trồng cây hồi, sở từ 1 - 7 ha/hộ và nhà nào cũng nuôi ong, nhà ít có vài tổ, nhà nhiều có cả trăm tổ.
Vậy là, từ cách nuôi ong truyền thống bán tự nhiên để tạo ra mật ong có chất lượng tốt đã hình thành ý thức bảo vệ rừng của người dân Bình Liêu. Người dân hiểu nếu như các cánh rừng mất đồng nghĩa với việc nghề nuôi ong cũng sẽ biến mất, kéo theo các gia đình không còn thu nhập ổn định, đời sống bấp bênh...
Thanh Vân