Huyện Tiên Yên có hàng chục nghìn ha rừng và vườn cây ăn quả. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, trước đây, người dân nuôi ong chủ yếu theo tập quán và kinh nghiệm truyền thống nên năng suất và sản lượng mật đạt thấp.
Từ tháng 8/2016, HTX Khai thác và chế biến mật ong rừng Tiên Yên được thành lập, mở ra một hướng đi mới, với những cách làm hiệu quả.
Tận dụng lợi thế đất rừng
Ông Đào Trọng Nghĩa - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Trước kia, do sản xuất manh mún, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ. Giờ có HTX, thành viên đã tận dụng tốt lợi thế đất rừng, cùng nhau đưa nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi mới, cải thiện đời sống người dân địa phương”.
Để tạo ra một sản phẩm có thương hiệu đặc trưng vùng miền, HTX đã đẩy mạnh phát triển nuôi ong tự nhiên bằng hoa của các loại cây ăn quả và hoa của các loại gỗ lâu năm trong rừng, để cho sản phẩm mật chất lượng theo mùa.
Để hoạt động hiệu quả, các thành viên HTX đã tích cực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nuôi ong ở các địa phương khác có khí hậu tương đồng; chủ động học cách chăm sóc, làm thùng nhốt, bố trí cách đặt thùng ở những khu vực có nhiều phấn hoa, cách xa khu dân cư, nơi có tầm nhìn thoáng và yên tĩnh.
Hiện, HTX có gần 1.000 đàn ong với sản lượng trung bình 5.000 lít mật/năm, bán ra thị trường với giá 230.000 - 350.000 đồng/lít. Mật ong của HTX làm ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Mật ong của HTX hoàn toàn nguyên chất, quá trình quay mật cũng bảo đảm nên chất lượng mật cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ mật của HTX gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hạ Long...
Nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao, không tốn diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn. Chính vì vậy, tham gia HTX nuôi ong lấy mật giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để có được kết quả trên, HTX đã quan tâm đến kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh. Tổ kỹ thuật đã được HTX thành lập nhằm đến từng gia đình, kiểm tra từng tổ ong, hướng dẫn cho thành viên các phương pháp tạo chúa, san đàn, quay mật; hướng dẫn thành viên từ quy trình làm hòm ong sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết theo mùa để ong phát triển tốt, cho ra nhiều sản phẩm…
HTX đã mở ra một hướng đi mới, hiệu quả |
Lợi ích kép
Những năm qua, đàn ong của HTX không bị dịch bệnh, năng suất mật ngày một tăng, chất lượng mật ngày một tốt hơn. Mặt khác, sinh hoạt trong HTX, các hộ nuôi ong còn liên kết với nhau, giới thiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm… Nhờ sự hỗ trợ thiết thực đó, nhiều thành viên đã bắt đầu tăng đàn và có thu nhập cao từ nghề nuôi ong.
Mô hình nuôi ong rừng đã mang lại lợi ích kép, khi ong vừa thụ phấn cho hoa giúp tăng tỷ lệ đậu quả cho diện tích cây ăn quả vừa để làm mật. Đặc biệt, ong còn bắt cả sâu bọ, côn trùng, bảo vệ cây trồng giúp người trồng cây ăn quả không phải phun thuốc trừ sâu.
Việc nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế là điều đã thấy rõ. Để có được môi trường nuôi ong hiệu quả, các thành viên HTX đã ý thức được rừng chính là nguồn sống, là điều kiện cho ong phát triển. Chính vì vậy, bảo vệ rừng là nhiệm vụ của tất cả các thành viên.
Theo ông Đào Trọng Nghĩa, ngoài rừng kinh doanh, các hộ phải giữ rừng đầu nguồn. Nuôi ong gần như phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, vào thiên nhiên, thời tiết. Nếu không có rừng, HTX cũng khó nuôi ong hiệu quả.
Mô hình nuôi ong lấy mật của HTX được đánh giá cao bởi vì đây là một hình thức bảo tồn thiên nhiên. Trong quá trình sản xuất, HTX không để xảy ra sự xung đột nào với môi trường thiên nhiên, đồng thời bảo đảm được sự phát triển tự nhiên của rừng.
Như Yến