Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hà Giang đã được thực hiện gần 2 năm, nhưng các du khách đến huyện Quản Bạ khá ấn tượng với nhiều sản phẩm của vùng địa đầu Tổ quốc này.
“Cái khó ló cái khôn”
Mới đây, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của các HTX. Sản phẩm được nhiều khách hàng và du khách thập phương quan tâm nhất đó là dược liệu của HTX cộng đồng Nặm Đăm.
Các sản phẩm của HTX Nặm Đăm như: Cao mạnh gân, trà gừng, thuốc tắm, tinh dầu, thuốc đau răng, xoa bóp... thu hút nhiều du khách không chỉ bởi bao bì, nhãn mác khá bắt mắt, mà còn có tác dụng trong chăm sóc sức khoẻ theo phương pháp đông y.
Qua tìm hiểu được biết, đây là sản phẩm của đồng bào dân tộc Dao ở Nặm Đăm từ bao đời đã gìn giữ được nhiều cây thuốc quý với nghề thuốc gia truyền. Tuy nhiên, mức độ để mở rộng sản phẩm này ra bên ngoài còn hạn chế do làm cá nhân, không có sự đầu tư sản xuất. Để tiếp tục mang được những cây dược liệu quý này đến với người dân, chính quyền xã đã khuyến khích thành lập HTX và cây thuốc dần có chỗ đứng trên thị trường.
HTX Nặm Đăm thành lập năm 2009, cả thôn có 52 hộ thì 49 hộ đăng ký tham gia. Thời gian đầu, do mới hoạt động nên các quy trình thu hái, sản xuất và đầu ra còn bấp bênh.
Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX Nặm Đăm cho biết, HTX thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong khâu thu hái, chế biến và tiêu thụ. Nhiều khi sản phẩm làm ra bán không hết, không có đầu ra tiêu thụ. Hơn nữa, bà con ở đây thấy lợi thì mới làm, nên với điều kiện khó khăn như thế, chỉ nửa năm sau bà con thành viên dần xin rút hết, chỉ còn vỏn vẹn 7 người. Đã có lúc tưởng như HTX phải đóng cửa.
Thành viên HTX Nặm Đăm giới thiệu dược liệu quý cho du khách (Ảnh: Internet) |
Thế nhưng, với nguồn dược liệu quý và khao khát tận dụng lợi thế của núi rừng để cải thiện đời sống của bà con vùng cao đã khiến anh Dèn và những thành viên còn lại quyết tâm theo đuổi.
Bài toán đầu tiên phải giải là cần thiết có công nghệ sản xuất cũng như tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trong giai đoạn đó, anh Dèn và bà con thành viên đã nỗ lực đổi mới cách nghĩ, cách làm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã cùng vào cuộc hỗ trợ kết nối với các công ty dược để hoàn thiện công nghệ sản xuất và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Từng bước vực dậy, đến nay HTX Nặm Đăm có 23 hộ đăng ký làm thành viên, hộ góp ít đất thì vài nghìn m2, hộ nhiều thì góp cả héc ta để trồng dược liệu. Trên cơ sở đóng góp của các thành viên, các doanh nghiệp sẽ tư vấn hỗ trợ về mặt giống, kỹ thuật đảm bảo dược liệu cho năng suất và chất lượng cao nhất. Sau khi thu hoạch, nguyên liệu thô sẽ được HTX đứng ra thu mua, sau đó đưa vào chế biến.
Bảo tồn nguồn gen quý
Theo Giám đốc Lý Tà Dèn, hiện HTX có khoảng 7ha đất trồng dược liệu, tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sản xuất, còn lại vẫn phụ thuộc vào nguồn dược liệu khai thác tự nhiên. Nếu khai thác tự nhiên đến một ngày nào đó, các loại dược liệu quý sẽ biến mất. Vì vậy, HTX Nặm Đăm đã tìm được phương án tối ưu.
Để đảm bảo nguồn cung dược liệu và bảo tồn được những loài dược liệu quý bản địa, năm 2016, HTX đã kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam triển khai Dự án “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý của người Dao”.
Nhờ có dự án này mà sau hơn 2 năm triển khai, HTX Nặm Đăm đã khắc phục tình trạng nguy cơ tuyệt chủng của một số cây dược liệu trong tự nhiên do nạn khai thác triệt để, thu mua ồ ạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm trước đây.
Những cây dược liệu quý không chỉ được khai thác làm thuốc mà còn được các thành viên trong HTX bảo tồn giống gen quý hiếm (Ảnh: Internet) |
HTX Nặm Đăm đã mở rộng được diện tích vườn ươm lên tới 3.000m2, lưu giữ hơn 100 loài dược liệu quý như: củ dòm, atiso, kim ngân, đương quy đỏ... Vườn ươm không những đảm bảo đủ cung ứng giống cho HTX và bà con địa phương, mà còn được HTX khuyến khích thành viên phát triển cây dược liệu trên nương, ruộng, vườn của chính gia đình mình theo đúng kỹ thuật và bán lại sản phẩm cho HTX.
Có được nguồn nguyên liệu ổn định, HTX Nặm Đăm đã đầu tư xây dựng khu sấy, nhà xưởng chế biến, hệ thống máy móc chưng cất tinh dầu, nấu cao thảo dược để cho ra thị trường những sản phẩm hoàn chỉnh, tiện lợi cho người tiêu dùng.
Ngoài việc cung cấp các sản phẩm dược liệu truyền thống quý giá ở thị trường trong tỉnh, HTX Nặm Đăm còn trưng bày, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm này tại các điểm dừng chân cho khách du lịch ngoài tỉnh...
HTX Nặm Đăm còn xây dựng mã QR code, đồng thời ký hợp đồng với các doanh nghiệp để mở chuỗi cửa hàng thảo dược ở Hà Nội và Tp.HCM.
Hiện, các thành viên tham gia HTX đều có mức thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng, chưa kể lực lượng lao động công nhật phục vụ việc chăm sóc, thu hái... cũng có nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định ngay tại quê hương mình. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với thôn Nậm Đăm ngày càng tăng. Các dịch vụ tắm lá thuốc, ngâm chân thảo dược... được khách du lịch rất yêu thích.
Nhờ sự năng động, dám nghĩ dám làm, HTX Nặm Đăm đã phát huy những giá trị truyền thống gắn với bảo tồn và phát triển kinh tế, du lịch, tạo điều kiện cho các thành viên và nhiều người dân trong thôn có cuộc sống ấm no.
Minh Trang