Phát huy truyền thống huy hoàng
Cuối năm 1959, HTX Đại Phong được thành lập với chủ trương "một người làm việc bằng hai", mở rộng bờ vùng, bờ thửa, thâm canh sản xuất. Nhờ đó, trong 2 năm liên tục, trên cánh đồng làng Đại Phong lúc nào cũng như trẩy hội. Không kể ngày đêm, người Đại Phong đắp đê ngăn mặn, cải tạo ruộng đồng.
Không phụ công người, đất canh tác của Đại Phong từ chỉ 2 sào/người đã tăng lên 7 sào/người. Sản lượng lương thực của HTX tăng từ 650 kg/người lên 880 kg/người. Từ đó, cái đói của làng được đẩy lùi, lúa gạo Đại Phong sản xuất ra còn được chở đến nhiều địa phương ở miền Bắc để phân phối cho nhân dân, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cơ giới hoá giúp nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đồng ruộng của thành viên HTX Đại Phong (Ảnh: TL) |
Cùng với "Trống Bắc Lý", "Sóng Duyên Hải", "Cờ Ba Nhất", "Gió Đại Phong" đã được đúc kết thành phong trào, mang lại những thành tựu lớn về xây dựng HTX và phát triển sản xuất nông nghiệp trên toàn miền Bắc.
Với bút danh Trần Lực, Bác Hồ đã viết bài ca ngợi HTX Đại Phong đăng trên Báo Nhân Dân: "Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của HTX Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót một nghìn HTX nhận thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong.
Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta...". Để động viên khích lệ bà con, ngày 20-3-1961, Bác Hồ đã gửi tặng HTX Đại Phong chiếc máy kéo DT54, do Đoàn thành niên Cộng sản Công-xô-môn Lê-nin gửi tặng Bác. Năm 1962, Bác trao danh hiệu “Lá cờ đầu trong nông nghiệp” cho HTX Đại Phong.
Vững vàng hiện tại
Phát huy truyền thống đó, hơn 60 năm qua, nhiều HTX trong cả nước phải giải thể hoặc hoạt động không hiệu quả, nhưng HTX Đại Phong (nay là HTX SXKD DVNN Đại Phong) vẫn đóng vai trò chủ lực trong tổ chức lao động, sản xuất giúp nhân dân vươn lên làm giàu. Hiện HTX Đại Phong đảm nhiệm hầu hết các khâu dịch vụ cho xã viên, như: làm đất, cung ứng giống lúa, phân bón, bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm... HTX Đại Phong không chỉ dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất lúa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn trở thành "ngọn cờ đầu" ở nhiều tỉnh, thành miền Trung.
Phương tiện lao động, sản xuất ở Đại Phong đã được hiện đại hóa với 12 máy cày, 10 máy tuốt, 2 máy gặt đập liên hoàn cùng hàng chục ô tô vận tải. Năng suất lúa của HTX năm nay đạt 76 tạ/ha đối với vụ đông - xuân và ước đạt 36 tạ/ha đối với vụ lúa tái sinh. Tổng vốn của HTX nay đã đạt 15 tỷ đồng, trong đó có 3 tỷ đồng là vốn lưu động và 12 tỷ đồng vốn cố định.
Nhờ làm ăn có hiệu quả nên HTX đã xây dựng các tuyến điện chiếu sáng, 9 trụ sở làm việc của các đội và 1 trụ sở trung tâm 2 tầng khang trang, 16 km giao thông nội đồng và 16 km kênh mương, xây dựng 4 trạm bơm phục vụ cho tưới tiêu. Nhờ có HTX chung sức nên xã Phong Thủy về đích nông thôn mới từ năm 2014.
Các thành viên HTX Đại Phong hết sức phấn khởi vì năm nay lúa được mùa (Ảnh: TL) |
Ông Đặng Ngọc Đính, nguyên Chủ nhiệm HTX Đại Phong thời kỳ 1960-1961 nhớ lại: “Trải qua bao thăng trầm lịch sử, HTX Đại Phong vẫn tồn tại và phát triển bởi Đảng, chính quyền luôn phát huy tinh thần dân chủ. Ban chủ nhiệm HTX luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Khi lợi ích của xã viên gắn liền với lợi ích tập thể thì họ sẽ nỗ lực phấn đấu hết sức mình”.
Về Đại Phong hôm nay, đường làng ngõ xóm trải nhựa phẳng lỳ, sạch đẹp, nhà cao tầng mọc san sát nhau, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ông Nguyễn Cao Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Đại Phong chia sẻ: “Những năm qua, HTX đã từng bước nâng cao chất lượng trong khâu dịch vụ và hướng tới cung ứng dịch vụ giá rẻ cho xã viên.
Đồng thời, HTX đưa các giống lúa chất lượng cao, như: X21, X23, HT1, P6… vào sản xuất. HTX cũng mạnh dạn áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, thu hoạch, thay đổi một số giống mới có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh. Nhờ đó, giải phóng sức lao động cho nông dân, năng suất, sản lượng lúa tăng cao.
Để đưa HTX phát triển đúng hướng, Ban quản trị đã không ngừng sáng tạo, đổi mới cách làm việc cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, thực hiện tốt các khâu giống, cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, đảm nhận toàn bộ khâu làm đất cho xã viên.
Sau khi lúa thu hoạch xong, Ban quản trị HTX đã phối hợp với các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên, không để tình trạng thương lái ép giá. Ngoài ra, HTX còn cho xã viên vay lãi suất thấp để trồng nấm, hoa màu, chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho nghề mộc, nề nhằm tăng thêm thu nhập.
Hiện các thành viên trong HTX đã thành lập được 5 tổ thợ mộc, 12 tổ thợ nề, giải quyết việc làm thường xuyên cho 350 lao động. Ông Nguyễn Mậu Quảng, thành viên ở xóm 8, thôn Đại Phong phấn khởi: “Nhờ HTX cung cấp các loại vật tư nông nghiệp giá rẻ, hỗ trợ khâu làm đất, tưới tiêu nên lúa nhà tôi năm nào cũng được mùa, được giá. Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ vay vốn đầu tư mua máy móc phục vụ cho nghề mộc nên tôi có việc làm thường xuyên”.
Ngoài trọng tâm là dịch vụ sản xuất nông nghiệp, HTX Đại Phong còn làm tốt công tác an sinh xã hội, như: đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà tranh, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của hội viên chỉ còn lại 0,35%/850 hộ.
Hiện HTX có nguồn vốn lớn nhất trong số các HTX của huyện Lệ Thủy, là mái nhà chung, “bà đỡ” của nông dân. Với những thành tích đã đạt được, năm 2010, HTX được Chính phủ tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua"; Năm 2012 được Nhà nước trao tặng "Huân chương lao động hạng nhất" và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Xuân Vương