Có những sản phẩm chất lượng nhờ đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa và công nghệ cao, an toàn thực phẩm nhưng theo ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), năm 2021, HTX thu mua 820 tấn rau sạch có truy xuất nguồn gốc nhưng tỷ lệ tiêu thụ rau theo hợp đồng chỉ đạt 20%.
Khó kết nối
Thống kê từ các địa phương cho thấy, hiện nay, khoảng 60-70% nông sản, thực phẩm sạch vẫn đang tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (chợ dân sinh, thương lái...), phần còn lại là tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích... Nguyên nhân của tình trạng này là quá trình đưa sản phẩm ra thị trường của các HTX còn nhiều lúng túng và khó khăn.
Việc đầu tiên để đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp lý để giao dịch, mua bán. Tuy nhiên, nhiều HTX dù đã áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ nhưng phần hoàn thiện thủ tục giấy tờ chưa đáp ứng được trong thời gian nhà phân phối yêu cầu. Đi liền với đó là bao bì, nhãn mác tuy đã được đầu tư nhưng chưa chuyên nghiệp, chưa bắt mắt.
Một khó khăn nữa là do thành viên, Ban giám đốc HTX chủ yếu là nông dân nên quá trình kết nối với doanh nghiệp, đại diện siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn gặp nhiều trở ngại, bất cập trong việc hiểu và hoàn thiện quy trình đưa nông sản vào siêu thị.
Đặc biệt, dù sản xuất theo hướng an toàn, nhưng trong quá trình sản xuất, nông sản của các HTX vẫn bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Chỉ cần mưa lớn kéo dài, tình trạng ngập úng, rau màu bị dập nát lại xảy ra, khiến các HTX không có nguồn hàng ổn định để bảo đảm cung ứng trực tiếp cho siêu thị.
Tỷ lệ nông sản có xuất xứ rõ ràng của HTX vào được siêu thị còn khiêm tốn, trong khi đây là kênh tiêu thụ vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa giúp xây dựng thương hiệu cho HTX. |
Không chỉ các HTX, mà ngay các doanh nghiệp phân phối cũng gặp khó khăn trong việc liên kết để đưa nông sản lên các kệ hàng. Chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho HTX với chuyên đề “Nông sản an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ”, bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc hệ thống chuỗi siêu thị VitaMart, cho biết đến thời điểm này, VitaMart kết nối được với rất ít HTX. Nguyên nhân một phần là do doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, chưa có thương hiệu như các hệ thống siêu thị lớn khác như Big C, Lotte…
Ngoài ra, việc liên lạc, kết nối với HTX còn rất khó. Cụ thể là nhiều HTX, dù phía doanh nghiệp chủ động liên hệ từ năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo giá. Có HTX, doanh nghiệp liên lạc rất nhiều lần vào ban ngày không có người bắt máy, sau này mới biết HTX sản xuất giò chả... nên chỉ hoạt động vào ban đêm!
“Lợi thế của các HTX là có sản phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP Hà Nội giới thiệu với doanh nghiệp, nhưng khâu liên lạc, kết nối gặp rất nhiều bất cập. Đó là chưa kể, sau khi kết nối được, việc báo giá của HTX chưa phù hợp, chưa cụ thể, rõ ràng nên rất khó ký kết hợp đồng”, bà Hương nói.
Để nông sản có chỗ đứng ở siêu thị
Theo các chuyên gia, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở đô thị lớn là những thị trường quan trọng cho tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Nếu nông sản của các HTX vào được các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì sẽ chinh phục được thị trường nội địa và chắp thêm đôi cánh cho nông sản Việt thâm nhập vào thị trường thế giới.
Đặc biệt từ sau dịch Covid-19, các hệ thống bán lẻ mọc lên rất nhiều để đáp ứng nhu cầu của người dân ở các khu đông dân, các chung cư… Chính vì vậy, kết nối, hỗ trợ đưa nông sản sạch của HTX vào kênh tiêu thụ hiện đại là điều hết sức cần thiết, vừa đáp ứng nhu thu mua nông sản sạch của các doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường, vừa mở rộng đầu ra cho nông sản.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, các HTX cần chủ động nhiều hơn trong việc kết nối với khách hàng. Chẳng hạn như khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cần đưa thêm thông tin về giá, đặc tính của sản phẩm để phía nhà phân phối có thể liên hệ và so sánh, quy chiếu xem giá đó là đã tính đến chi phí vận chuyển hay chưa.
Ngoài ra, thông tin đưa ra cũng cần cụ thể, rõ ràng hơn vì việc liên hệ với HTX hiện còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn như thông tin bưởi da xanh của HTX có giá ghi là 30.000 đồng nhưng phía doanh nghiệp không hiểu là 30.000 đồng/quả 30.000 đồng/kg và đã bao gồm phí vận chuyển hay chưa.
“Nếu HTX giải quyết được những vấn đề trên, HTX và doanh nghiệp có thể dễ dàng đi cùng nhau và đi xa hơn”, bà Hương chia sẻ.
Đánh giá về những khó khăn của HTX, ông Cao Hùng Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, cho rằng thực trạng hiện nay là HTX có sản phẩm sạch, có chứng nhận nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Qua các hội nghị có thể thấy, sản phẩm của HTX tốt, được người tiêu dùng mua nhiều nhưng đến ngày thứ hai, thứ ba thì không đủ cung cấp cho khách hàng.
Chính vì vậy, để tiếp cận được thị trường, các HTX cùng ngành hàng phải liên kết với nhau để có thể tạo thành chuỗi giá trị đủ lớn cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, muốn vào siêu thị, sản phẩm ngoài đạt chất lượng về nguồn gốc xuất xứ thì cần có tính đặc trưng, sự khác biệt mới có thể tạo được sức hút.
Khẳng định việc đưa nông sản vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi vừa nâng cao giá trị kinh tế vừa giúp xây dựng thương hiệu cho nông sản, nhưng Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cũng cho rằng khó khăn hiện nay chính là muốn sản xuất nông sản an toàn, HTX phải đầu tư lớn nên giá thành cao. Thế nhưng, nông sản an toàn lại có mẫu mã không bắt mắt bằng nông sản không an toàn, nên rất khó cạnh tranh ở các chợ cóc, chợ tạm, chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, dù sản xuất theo tiêu chuẩn nhưng giá bán nông sản của HTX ngay tại ruộng lại rất thấp trong khi giá đến tay người tiêu dùng lại rất cao. Nghịch lý này khiến các HTX lại chịu nhiều thiệt thòi vì lợi nhuận chủ yếu vào các khâu trung gian.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng cần có cơ chế quản lý, kiểm soát khâu trung gian một cách chặt chẽ, song song đó là đẩy mạnh mở các chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên về nông sản của HTX để giảm khâu phân phối.
Ngoài ra, nông sản của HTX khi vào siêu thị thì tỷ lệ chiết khấu cao, thanh toán gối sóng nên kéo dài thời gian khiến HTX khó thu được tiền để tái đầu tư. Chính vì vậy, các doanh nghiệp lớn, các siêu thị cần xem xét và có những thỏa thuận phù hợp nhằm hỗ trợ HTX trong khâu thanh toán, vì phần lớn HTX hiện nay phải vay vốn để đầu tư nên cần nguồn thu để trả nợ.
Ngoài sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các HTX cũng cần liên kết để tạo thành chuỗi giá trị rộng lớn. Khi HTX càng lớn thì càng có quyền quyết định giá trị cung cầu trên thị trường, từ đó chủ động trong việc liên doanh, liên kết.
Huyền Trang