Tại Hội nghị trực tuyến Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tổ chức ngày 16/8, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, Nghị quyết số 20-NQ/TW (Nghị quyết 20) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới đã có rất nhiều điểm mới và đột phá nhưng vẫn kế thừa được những quan điểm của Nghị quyết 13-NQ/TW.
Công tác quản lý về KTTT còn chưa thống nhất
Qua thực tiễn phát triển cho thấy, KTTT, HTX đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững; tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường.
Tiêu biểu như các tổ hợp tác nghề cá, HTX đánh bắt xa bờ ở các địa phương vùng biển, ngoài làm ăn kinh tế, thành viên HTX, tổ hợp tác còn góp phần tích cực bảo vệ biển đảo, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Không chỉ khẳng định đóng góp của KTTT, HTX, Nghị quyết 20 cũng chỉ rõ những nguyên nhân mà KTTT, HTX hoạt động còn khó khăn, phát triển chưa đồng đều nên chưa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đề ra. Đó là phần lớn HTX hiện nay quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Những vấn đề về đất đai, tín dụng còn kéo dài. Số lượng liên hiệp HTX còn ít, nhiều HTX chưa chuyển đổi về mặt hình thức.
Ngoài ra, do nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về bản chất, vai trò của KTTT, HTX chưa đầy đủ, còn bị chi phối bởi định kiến xã hội về HTX. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương còn hình thức, chưa thực sự quan tâm đến KTTT, HTX.
Các tổ hợp tác, HTX hậu cần nghề cá ngoài phát triển kinh tế còn tích cực bảo vệ biển đảo, môi trường. |
“Qua tổng kết trong thực tiễn có thể thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm đến KTTT, HTX thì KTTT, HTX ở đó phát triển. HTX nào có giám đốc, Chủ tịch HĐQT trẻ, năng động thì HTX đó hoạt động hiệu quả và gặt hái được nhiều thành công”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Nguyên nhân tiếp theo đó là do việc tổng kết từ lý luận đến thực tiễn về KTTT, HTX chưa kịp thời, khung khổ pháp lý về HTX còn nhiều vướng mắc, chậm đổi mới. Chính sách hỗ trợ KTTT, HTX tuy nhiều nhưng còn dàn trải, phân tán, chủ yếu lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng việc đánh giá về hiệu quả của KTTT, HTX trong nền kinh tế chưa đầy đủ dẫn đến hạ thấp vai trò, vị trí của KTTT, HTX trong nền kinh tế quốc dân.
Cụ thể là khi đánh giá đóng góp của KTTT, HTX vào GDP của cả nước, Tổng cục Thống kê hiện chỉ tính những đóng góp về mặt nội dung của các HTX, còn lại phần giá trị gia tăng của khu vực này thì chưa quan tâm. Chính vì vậy, cần có những đánh giá cụ thể, khách quan, đúng, đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế về đóng góp của khu vực này vào GDP.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn chưa thống nhất, cán bộ quản lý HTX còn thiếu, chưa có kỹ năng chuyên sâu. Điều này dẫn đến tình trạng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khó đến được với HTX.
KTTT là thành phần kinh tế quan trọng
Ngoài chỉ ra những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của khu vực KTTT, HTX, điểm nhấn trong Nghị quyết 20 đó chính là đưa ra những quan điểm mới, khẳng định vai trò vị trí của khu vực KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường. Trong đó, Nghị quyết đã khẳng định KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, hệ thống khu vực KTTT có phát triển được hay không là nhờ vào số lượng thành viên. Số lượng người tham gia HTX nhiều thì sản lượng nông sản đóng góp cho nền kinh tế tăng.
Điều này cũng được thể hiện rõ ở các nước trên thế giới. Chẳng hạn như tại Cộng hòa Liên bang Đức, hiện nay 100% sữa, 80% rau, 20% lúa mì phục vụ nhu cầu cho người dân là do HTX sản xuất. Ngoài ra, điện sạch, điện gió của HTX sản xuất chiếm 17% tổng lượng điện sạch của nước này.
Như vậy có thể thấy, phát triển HTX chính là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững.
Tiêu biểu như tại HTX nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (Phú Yên) đang có chính sách hỗ trợ tất cả các con em thành viên HTX đi học tại các trường đại học, cao đẳng. Hoạt động này thể hiện tính cộng đồng rất rõ vì vừa giúp thành viên HTX yên tâm gắn kết làm việc, vừa giúp HTX có nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao.
Qua thực tế phát triển, Đảng và Nhà nước đã khẳng định KTTT là mô hình lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Điều này càng khẳng định rõ vai trò của HTX là hoạt động vì lợi ích của thành viên, công đồng. Điểm này khác hoàn toàn với mô hình doanh nghiệp tư nhân, đó là đặt lợi nhuận lên làm mục tiêu hàng đầu.
Tham gia HTX sẽ tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả. |
Đặc biệt, KTTT phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp. Đây cũng là điểm đặc trưng của mô hình KTTT bởi nếu trong doanh nghiệp tư nhân, ai góp vốn nhiều, người đó giữ nhiều quyền nhưng trong HTX thì thành viên không áp đặt về vốn nên tạo ra sự bình đẳng trong việc đưa ra quyết định, kế hoạch… Ngay như ở vùng lãnh thổ Đài Loan, có những nông dân góp vốn vào HTX bằng đất, nhưng diện tích thì đa dạng, không bị ép buộc nên có người có 30ha đất hay chỉ 5ha đất cũng đều hoạt động bình đẳng trong HTX.
Chính vì vậy mà trong thời gian tới, cần phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Định hướng này của Đảng và Nhà nước là phù hợp với quy luật cung cầu và cũng là hướng đi của các HTX trên thế giới.
Như tại Cộng hòa Liên bang Đức, trước đây số lượng HTX lên đến 45.000 nhưng nay các HTX này đã liên kết lại với nhau nên số lượng HTX chỉ còn khoảng 1.000. Tuy nhiên, điểm nổi bật là các HTX này lại lớn mạnh về quy mô nên thuận lợi trong phát triển kinh tế hàng hóa, hình thành các chuỗi giá trị. Đây là điểm mới là KTTT, HTX ở Việt Nam cần học tập
Thu hút người dân tham gia HTX
Theo thống kê, hiện nay cả nước có 25,3 triệu hộ dân, trong đó 17,3 triệu hộ ở nông thôn. Trong 17,3 triệu hộ ở nông thôn thì có đến 9,2 triệu hộ là nông dân. Trước thực tế này, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 45.000 HTX, 140.000 tổ hợp tác, 340 liên hiệp HTX như trong Nghị quyết 20 đề ra, cần phải đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để thu hút người dân, nhất là người dân ở các vùng nông thôn tham gia KTTT, HTX.
Nhằm thu hút được người dân tiếp tục tham gia HTX, cần chú trọng đổi mới và hoàn thiện các chính sách về nguồn lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ... và đặc biệt là sửa đổi, hoàn thiện Luật HTX năm 2012. Việc sửa đổi các luật cần đảm bảo theo hướng khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT.
Đặc biệt, KTTT, HTX muốn phát triển hiệu quả, cần có vai trò của các tổ chức đại diện làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các HTX.
Những năm gần đây, trong những Kết luận, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức Chính phủ đều đánh giá hệ thống Liên minh HTX Việt Nam giữ vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX và thực sự là cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên.
Và trong Nghị quyết 20 lại tiếp tục khẳng định yêu cầu này và đặt ra những nhiệm vụ cần thiết hơn đối với vai trò của Liên minh HTX Việt Nam trong phát triển KTTT, HTX.
Chính vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, Liên minh HTX Việt Nam sẽ xây dựng các chương trình hành động cụ thể về KTTT, HTX như hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho thành viên, cung ứng các dịch vụ công, các nguồn lực tự khai thác để hỗ trợ cho thành viên như việc xúc tiến thương mại và đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi số...
Huyền Trang