Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đánh giá, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt của tỉnh là 10.345 ha, sản lượng hằng năm đạt 24 nghìn tấn. Diện tích nuôi nước mặn, lợ là 7.700 ha, nhờ đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các loại giống mới, do đó sản lượng liên tục tăng đều theo hằng năm.
Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mang tại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định như: Cá lóc thâm canh trong bể xi măng, nuôi bán thâm canh cá rô đầu vuông, nuôi ngao và cá biển, tôm thẻ chân trắng, cua xanh… tập trung tại các huyện ven biển như: Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương.
Nâng cao giá trị kinh tế
Ghi nhận tại huyện Hoằng Hóa, ông Chu Hữu Độ, Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu, xã Hoằng Lưu chia sẻ, trước đây, gia đình ông cũng như các thành viên HTX đều nghèo khó. Từ ngày thành lập HTX, kinh tế gia đình của tất cả thành viên trong HTX đã khấm khá lên rất nhiều.
HTX đã thực sự trở thành “bà đỡ” tin cậy cho thành viên nói riêng và cho cả người dân trong xã nói chung.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các HTX giúp hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. |
HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu có 45 thành viên, trong đó có 25 thành viên nuôi trồng thủy sản với diện tích 150 ha. Nhờ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hoạt động của HTX ổn định và từng bước phát triển, sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trung bình hơn 100 tấn/năm.
“Các thành viên không chỉ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả con giống, từ việc lựa chọn, mật độ thả, vệ sinh ao,... đến việc chủ động phòng bệnh cho cá, mà còn thường xuyên được tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Đến nay, một số hộ thành viên của HTX đã triển khai mô hình nuôi tôm trong bể xi măng hoặc ao phủ bạt. Nhờ làm chủ công nghệ, các hộ có thể thâm canh tăng vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đa số các hộ có doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, giúp nhiều hộ thành viên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, ông Độ cho biết.
Tại xã Hoằng Yến, ông Nguyễn Văn Tốt, Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến đánh giá, trên địa bàn xã vẫn đang duy trì và phát triển HTX nuôi trồng thủy sản Hoằng Yến. Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX đã bước đầu thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Nếu trước đây, người dân tự chủ động nguồn giống, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát nguồn gốc dịch bệnh, thì hiện nay, HTX đã xây dựng quy trình sản xuất, giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm của thành viên HTX từ đầu vào đến đầu ra, như: Con giống, quy trình sản xuất, cách sử dụng thức ăn, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, HTX hỗ trợ người dân chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 10 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 - 2,5 lần so với nuôi thâm canh cải tiến, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Huyện Quảng Xương có trên 1.300 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm qua, các địa phương và HTX trong huyện đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, tập trung, đem lại giá trị thu nhập cao.
HTX nuôi trồng thủy sản Hợp Thành, xã Quảng Nham, được thành lập năm 2016, hiện có 60 ha nuôi ngao với 27 hộ thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 65 lao động.
Các HTX ngoài tạo sự liên kết giữa các hộ dân với nhau, còn là “bà đỡ” giúp người dân thoát nghèo vươn lên ổn định phát triển kinh tế. |
Nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, nên hoạt động của HTX ổn định và từng bước phát triển, doanh thu bình quân đạt 3 tỷ đồng/năm.
Sau khi trừ chi phí, thu nhập của các thành viên đạt từ 7 - 8 triệu đồng/thành viên/tháng. Theo các thành viên, HTX được thành lập chính là cầu nối để các hộ nuôi trồng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về nguồn giống, nguồn thức ăn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, thành viên đã ổn định phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc HTX cho biết: HTX nuôi trồng thủy sản Hợp Thành không chỉ hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi thả cá từ việc lựa chọn, ương cá giống, mật độ thả, vệ sinh ao nuôi... đến việc chủ động phòng bệnh cho cá, mà còn tổ chức những chuyến tham quan mô hình và kết hợp với Trạm khuyến nông huyện tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi thả cho người dân.
Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, HTX đã góp phần hình thành tư duy sản xuất quy mô lớn, ứng dụng các biện pháp thâm canh cho người dân. Đến nay, cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư sử dụng thức ăn công nghiệp để thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, mô hình HTX nuôi trồng thủy sản chính là một hướng đi mới để định hướng người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.
Từ một số mô hình hiệu quả, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 HTX nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, mỗi HTX có quy mô liên kết từ vài chục đến hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản. Các HTX ngoài tạo sự liên kết giữa các hộ dân với nhau, còn là “bà đỡ” giúp người dân thoát nghèo vươn lên ổn định phát triển kinh tế.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đánh giá, phát triển HTX thủy sản chính là một hướng đi mới để định hướng cho người dân hợp tác để phát triển nghề thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và giảm nghèo bền vững.
Cùng với sự giúp sức từ các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, các HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã kết nối được người dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Từ đó, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
“Thời gian tới, để các mô hình HTX nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần tạo điều kiện giúp các HTX từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nói chung và HTX nuôi trồng thủy sản nói riêng phát triển”, bà Thủy chia sẻ.
Đoàn Huyền