Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất áp dụng một cơ chế mới: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong đó đưa ra các rào cản kỹ thuật, quy định liên quan giảm phát thải buộc đơn vị ở các nước xuất khẩu vào các thị trường này phải tuân theo và có thể đánh thuế carbon trong trường hợp không đáp ứng quy định.
Thời hạn áp dụng các cơ chế này, nếu được thông qua, sẽ là ngay đầu năm 2024 đối với cơ chế của Mỹ và 2026 đối với cơ chế của EU.
Cần nguồn vốn ổn định
Theo đó, cơ chế này sẽ có ảnh hưởng rất lớn và phức tạp tới hầu hết doanh nghiệp, HTX sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, vì Mỹ và EU đều là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Nếu không nhanh chân thì các doanh nghiệp, HTX sẽ không tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng lớn này. Và để thực hiện sản xuất phát thải thấp hiệu quả không phải là chuyện một sớm, một chiều.
Nhìn nhận về vấn đề này, các HTX đều cho rằng cơ chế của Mỹ và EU cùng với cam kết đưa phát thải carbon về 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam chính là "hồi chuông cảnh tỉnh" giúp các HTX có những định hướng cụ thể để phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là hiện đã có chính sách hỗ trợ HTX bị thiệt hại do thiên tai bao gồm chính sách miễn giảm thuế, chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ giống..., nhưng các chính sách này còn gặp hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai, nên rất ít HTX được hưởng thụ kịp thời.
Chẳng hạn như Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về việc hỗ trợ vốn, giống cho HTX khi gặp khó khăn do thiên tai dịch bệnh, nhưng theo Bộ NN&PTNT, đến nay mới có khoảng 1.212 HTX được hỗ trợ từ chính sách này.
Trong khi đó, muốn đầu tư cho sản xuất giảm thải carbon đòi hỏi HTX phải có nguồn vốn lớn, ổn định để thực hiện theo kế hoạch bài bản. Vậy nhưng thực tế hiện nay, ngân sách của hầu hết các HTX chỉ có hạn.
Sản xuất nông nghiệp cần chú trọng các giải pháp nhằm giảm phát thải carbon để thuận lợi trong xuất khẩu. |
Là mô hình sản xuất cà phê tái canh, góp phần vào giảm thải carbon nhưng ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại dịch vụ du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (Gia Lai) chia sẻ, đối với những vùng sản xuất hàng hóa, HTX cần phải có tiền tỷ để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, mua phân hữu cơ, máy móc sơ chế và chế biến nông sản chất lượng cao. Đó là còn chưa kể đến vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các chứng nhận, hoàn thiện mã số vùng trồng…
Điều mà không ít thành viên HTX băn khoăn là đến thời điểm này, Nhà nước vẫn chưa có nguồn ngân sách đầu tư riêng cho biến đổi khí hậu, giảm thải carbon mà vẫn chỉ là những nguồn tích hợp, hòa chung với nguồn hỗ trợ về bảo vệ môi trường. Không những vậy, với tốc độ giải ngân chậm, những nguồn hỗ trợ này cũng chưa mang lại hiệu quả thực sự cho các HTX.
“HTX cần được tạo thuận lợi cho hoạt động tiếp cận về vốn cũng như hỗ trợ về chính sách khi đầu tư vào thích ứng với biến đổi khí hậu thì mới đi được đường dài. Nếu không có sự chung tay của các cơ quan quản lý, HTX không lập kế hoạch đầu tư dài hạn cho mục này”, ông Thanh nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Màu, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông dân trồng tiêu Hòa Phú (Cần Thơ), hiện nay, các thủ tục hành chính phức tạp cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất bền vững chưa thực tế khiến người dân không nhìn thấy lợi ích khi tham gia. Chính vì vậy mà dù được HTX vận động nhưng việc thu hút người dân vào mô hình trồng tiêu hạn chế phát thải rất khó.
Kích thích HTX giảm thải carbon
Nghiên cứu cho thấy, ngành nông nghiệp đang “đóng góp" khoảng 20% tổng lượng khí thải, và riêng lĩnh vực lúa gạo chiếm khoảng một nửa lượng khí thải của ngành và hơn 73% lượng khí thải metan.
Trước áp lực của thị trường và mong muốn khẳng định được giá trị nông sản ở các thị trường khó tính, đã có những HTX nhanh nhạy trong chuyển đổi sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để hạn chế phát thải như mô hình trồng lúa hàng hóa ở HTX Mỹ Đông 2 (Đồng Tháp), HTX Gạo sạch Tân Long (Hậu Giang)… Theo các ngành chức năng, khi các HTX áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm” trong canh tác lúa có thể tăng năng suất 5-10%, tăng lợi nhuận ròng 28,6% và giảm khoảng 8 tấn CO2 /ha/năm.
Tuy nhiên, việc các HTX tham gia xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất giảm thải carbon còn thấp và mới chỉ mang lại hiệu quả bước đầu. Quá trình đầu tư cho chế biến, thu hoạch vẫn chưa được quan tâm nhiều nên chưa hình thành được các chuỗi nông sản giảm thải carbon có giá trị gia tăng cao.
Trong khi hiện nay, thành viên HTX phần lớn là nông dân nên còn thiếu kiến thức về giảm thải carbon, biến đổi khí hậu, thiếu các yêu cầu về xuất nhập khẩu hàng hóa ở các thị trường phát triển. Mặc dù một số địa phương đã liên kết với các dự án tổ chức các lớp tập huấn cho HTX liên quan đến những kiến thức về sản xuất bền vững, nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp là khu vực được đánh giá có tiềm lực tài chính mạnh hơn các HTX nhưng thực tế đối tượng này vẫn chưa quan tâm đến các dự án về đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thải carbon. Còn HTX, dù rất muốn nhưng lại gặp nhiều rào cản về chính sách, tài chính…
Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, Nhà nước cần có chính sách nhằm thúc đẩy các HTX tham gia sản xuất bền vững, hạn chế phát thải carbon. Khi có chính sách rõ ràng, minh bạch từ các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ, quyền lợi, trách nhiệm của từng đối tượng sẽ kích thích người dân, HTX tham gia đầu tư và thu hút các quỹ đầu tư, doanh nghiệp liên kết với HTX cùng triển khai các dự án, mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc khắc phục các trở ngại về thủ tục hành chính, tăng cường những gói tài chính cho vay ưu đãi dành cho HTX trong việc chuyển đổi cơ cấu, công nghệ sang hướng hiện đại và giảm thải carbon cũng là điều cần làm ngay.
Bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc Chương trình Cảnh quan vùng châu Á (Tổ chức IDH) cho biết, việc đánh thuế carbon các sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, EU tuy chưa áp dụng ngay nhưng sẽ thực hiện trong vài năm tới, khi số lượng quốc gia áp dụng thuế carbon nhiều hơn và công cụ kiểm chứng carbon hoàn chỉnh hơn. Điều này sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh của hàng hóa từ Việt Nam với các nước khác, đòi hỏi các HTX phải có những chuẩn bị và thay đổi nhanh chóng.
Đặc biệt, nhiều mặt hàng như cà phê, trái cây, hồ tiêu, lúa gạo… liên quan rất lớn tới thu nhập của người dân cũng như HTX vì đang là thế mạnh xuất khẩu sang Mỹ và EU. Nếu không có sự đồng bộ giữa chính sách của Nhà nước và hoạt động của HTX, doanh nghiệp trong giảm phát thải khí nhà kính thì không thể vượt qua các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu.
Và hậu quả hiển nhiên là đơn vị xuất khẩu vừa bị phạt, nông sản lại bị trả về gây mất thời gian, tổn hao kinh phí vì xuất khẩu sang Mỹ và EU tuy tiềm năng nhưng quy định rất nghiêm ngặt và có cung đường dài hơn so với các thị trường châu Á.
Huyền Trang