HTX là một trong những mắt xích quan trọng trong xây dựng NTM khi giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí như: giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, tổ chức sản xuất... Tuy nhiên, không ít HTX sản xuất khó khăn và đứng trước nguy cơ giải thể do thiếu nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cùng tham gia vận hành bộ máy, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại.
Hiệu quả trong quản lý, sản xuất
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã lựa chọn 5 HTX nông nghiệp tham gia mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc trong giai đoạn 2018 - 2020. Việc tuyển dụng nhân sự được giao cho HTX chủ động thực hiện, ưu tiên lao động tại địa phương và con em của thành viên, góp phần tạo nguồn nhân lực gắn bó lâu dài với HTX.
Từ tháng 1/2019, thực hiện mô hình thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, chị Hoàng Thị Nhàn (trú tại phường Xuân Tăng (thành phố Lào Cai) đã chính thức được ký hợp đồng vào làm kế toán tại HTX Tiên Phong Mường Vi.
Tại HTX, ngoài công việc kế toán, chị còn tham gia bán hàng trực tuyến, thực hiện công tác văn thư, lưu trữ... Dù mới làm việc được hơn một năm, nhưng chị luôn được lãnh đạo HTX quan tâm, tạo điều kiện cho đi tập huấn và học các lớp đào tạo về kỹ năng, chuyên môn HTX. Trong đó có khóa đào tạo lãnh đạo HTX 45 ngày dành cho cán bộ trẻ.
Đặc biệt với sự nhanh nhạy về công nghệ thông tin, chị đã nhanh chóng lập và xây dựng các kế hoạch bán các mặt hàng nông nghiệp thông qua các trang mạng xã hội, thành lập web trực tuyến giúp HTX trao đổi hàng hóa, tiếp cận khách hàng một cách chuyên nghiệp. Nhờ đó, các sản phẩm HTX làm ra như gạo, mật ong, dấm táo mèo… đều có đầu ra ổn định. Tổng doanh thu của HTX tăng từ 5,8 tỷ đồng (năm 2018) lên 6,5 tỷ đồng (năm 2019) và dự kiến năm 2020 cao hơn.
Từ khi có trí thức trẻ về làm việc, sản phẩm của HTX Tiên Phong Mường Vi rộng đầu ra hơn |
Ông Cao Xuân Diễn, Giám đốc HTX cho biết: HTX hoạt động từ năm 2016, ban đầu chưa có kế toán riêng và phải thuê kế toán ngoài theo thời vụ. Vì thế, việc báo cáo thuế, báo cáo tài chính với các cơ quan chức năng thường xuyên bị chậm, muộn. Ngoài ra, việc bán hàng cũng chậm vì không có người thường trực bán hàng…
Từ đầu năm 2019, được sự hỗ trợ của tỉnh với dự án đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX, đơn vị được nhận một kế toán nên hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi và bộ máy hoạt động trơn chu hơn. Việc HTX hoạt động hiệu quả giúp địa phương tiếp tục phát triển các tiêu chí sau khi đã đạt chuẩn NTM.
Xung kích trong NTM
Thời gian qua, nhiều thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số Lào Cai là trí thức trẻ đã xung kích đi đầu làm giàu chính đáng trên quê hương.
Tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên của địa phương, HTX nông nghiệp Trọng Tín (TP Lào Cai) đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc trồng dưa trên đất trong nhà lưới không mang lại hiệu cao. Năm 2019, anh Phạm Quang Thịnh (quê ở Bảo Tín) sau khi tốt nghiệp đại học Nông nghiệp đã về làm việc tại HTX và đề xuất trồng dưa lưới trên giá thể và được áp dụng, nhờ đó cây dưa phát triển tốt, quả to.
HTX Trọng Tín đang đầu tư hiệu quả cho việc trồng dưa lưới trong giá thể |
Với diện tích trồng là 3.200 m2, cây dưa cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả, tăng gần gấp đôi so với năm 2018 trồng trên đất. Năm 2019, HTX Trọng Tín đón tin vui là sản phẩm dưa vân lưới đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Những kiến thức về kỹ thuật, quản lý kinh tế, tiêu thụ sản phẩm mà anh Thịnh đề xuất đã góp phần rất lớn cho sự thành công của HTX. Từ những ý tưởng thành công của kỹ sư Phạm Quang Thịnh, các thành viên trong HTX đã tin tưởng bầu anh làm Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật.
Điều đó cho thấy sức sáng tạo cũng như cống hiến của trí thức trẻ Lào Cai trong phong trào khởi nghiệp phát triển kinh tế, chung tay xây dựng NTM trên quê hương.
Theo UBND tỉnh, khi kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là góp phần xây dựng NTM thì vấn đề bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ đã, đang và sẽ góp phần tạo động lực để các HTX tiếp cận khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Trước kết quả đã đạt được của mô hình thí điểm giai đoạn 2018-2020, tỉnh Lào Cai đã có quyết định 10 HTX nông nghiệp đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ 1 lần thuê trí thức trẻ về làm việc trong 3 năm từ 2020-2020 với tổng kinh phí thực hiện là trên 1,7 tỷ đồng. Trong đó nguồn kinh phí được bố trí từ chương trình NTM năm 2020 và từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có không ít HTX nông nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc. Đối với các HTX đủ điều kiện đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ gửi cơ quan chuyên môn thẩm định. Khi về làm việc tại HTX, đây sẽ là nơi để các trí thức trẻ thỏa niềm đam mê cũng như góp sức vào quá trình xây dựng NTM của tỉnh nhà.
Vì vậy, đưa trí thức trẻ về làm việc sẽ giải quyết được những khó khăn nội tại của một số HTX nông nghiệp, từ đó tập trung phát triển mô hình HTX gắn liền với xây dựng NTM, giải quyết được việc làm, nâng cao mức sống cho lao động nông thôn...
Huyền Trang