Bình Ninh là xã thuần nông, thu nhập của người dân trước đây rất thấp vì chủ yếu dựa vào cây lúa. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa chưa được đầu tư đạt chuẩn, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn, gây khó khăn trong việc đi lại, giao thương hàng hóa…
Nhờ huy động được sức dân, Bình Ninh đã về đích NTM vào tháng 6/2020. |
Tạo động lực từ sức dân
Xác định việc huy động sức dân là then chốt, Đảng ủy, UBND xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương “tự lực là chính” để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Qua gần 10 năm xây dựng NTM, xã đã vận động nhân dân xây dựng hoàn thành các tuyến đường liên xóm, ngõ xóm và xóa hết cầu khỉ. Trong đó, vận động xã hội hóa xây dựng 15 cây cầu bê tông và trên 20km đường ngõ xóm.
Với sự đồng hành của người dân, bộ mặt NTM xã Bình Ninh nhanh chóng có chuyển biến sâu. Khi bắt tay xây dựng NTM, xã Bình Ninh chỉ đạt 5 tiêu chí. Sau 10 năm, xã huy động được tổng nguồn vốn trên 221,7 tỷ đồng để phục vụ cho các chương trình xây dựng nông nghiệp, nông thôn.
Đầu năm 2020, xã chính thức hoàn thành 19/19 tiêu chí. Trong đó, có những tiêu chí đạt vượt so với quy định, điển hình như tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động vượt 19,63%, tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn vượt 19,63%, tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt 48,89%...
Theo UBND xã Bình Ninh, trong quá trình xây dựng NTM, xã đã xác định từng tiêu chí cụ thể để phát động trong nội bộ và nhân dân hưởng ứng thực hiện.
Công tác vận động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập được xã đặc biệt chú trọng. Nhờ vậy, đến nay thu nhập bình quân đầu người của Bình Ninh đạt 47,73 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 1,43%...
Thời gian tới, xã sẽ tập trung nâng chất tiêu chí trường học và quốc phòng - an ninh, trong đó tiếp tục phát huy các mô hình đèn thắp sáng, camera an ninh để giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Tăng giá trị sản xuất để nâng cao đời sống cho người dân là "chìa khóa" xây dựng NTM. |
Gia tăng giá trị sản xuất
Bên cạnh phát huy nguồn lực từ nhân dân, các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng tạo dấu ấn đặc biệt trong quá trình xây dựng NTM ở Bình Ninh.
Kể từ năm 2015 đến nay, xã đã vận động nhân dân phát triển các mô hình chăn nuôi bò, dê, ếch, lươn… để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Bên cạnh đó, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp gây ấn tượng đặc biệt với sự ra đời của HTX thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng.
Bà Phạm Thị Tơ, Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng kể, xã Bình Ninh có tới hơn 30% số hộ không có đất nông nghiệp để canh tác. Vì vậy, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ là hướng đi tiềm năng để xóa đói, giảm nghèo.
Được thành lập năm 2014, HTX Quyết Thắng đến nay đã tổ chức đào tạo được 40 lớp học nghề đan lục bình, với khoảng 1.300 học viên đã thuần thục tay nghề, trong đó có 1.029 người được nhận làm lao động làm gia công cho HTX. Các lao động này nhận nguyên liệu lục bình từ HTX, đem về nhà đan lát, rồi đem sản phẩm đến nộp lại cho HTX, HTX trả công theo sản phẩm.
Hoạt động hiệu quả của HTX Quyết Thắng đã đóng góp trực tiếp vào tiêu chí số 13 - hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM xã Bình Ninh, đồng thời góp phần không nhỏ vào các tiêu chí giảm nghèo, việc làm…
Từ một xã có xuất phát điểm thấp, diện mạo nông thôn xã Bình Ninh đã được đổi mới, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Đây là kết quả quan trọng để xã tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đạt các tiêu chí của xã NTM nâng cao trong giai đoạn tới.
Hưng Nguyên