Thành lập năm 2003, HTX cổ phần dệt may Bình Định do chị Phạm Thị Nhài làm Giám đốc đã thu hút 27 thành viên tham gia, chuyên sản xuất các loại khăn mặt xuất khẩu, màn tuyn. Trải qua gần 20 năm hoạt động, với nhiều thăng trầm, đến nay HTX vẫn duy trì sản xuất và ngày càng phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên.
Tạo việc làm, nâng cao thu nhập
Chị Mai Thị Ngát, thành viên HTX Bình Định cho biết, gia đình chị vốn có nghề dệt, nhuộm các sản phẩm tơ lụa truyền thống tại địa phương. Trước đây, khi làm ra các sản phẩm này, gia đình phải tự mày mò tìm kiếm thị trường và bán cho thương lái. Sản phẩm làm ra ít, chất lượng tốt nhưng hạn chế về mẫu mã nên giá cả thường bấp bênh, thậm chí rẻ hơn nhiều so với thị trường. Sau khi HTX Bình Định được thành lập, chị là thành viên đầu tiên tham gia.
“HTX đã ký kết bao tiêu sản phẩm nên gia đình sản xuất các sản phẩm theo định hướng của Hội đồng quản trị và không phải lo đầu ra. Kể từ khi tham gia vào HTX, các thành viên chúng tôi yên tâm sản xuất, thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/thành viên/tháng. Sự ra đời và hoạt động của HTX không chỉ tạo việc làm, ổn định cuộc sống của người dân, mà còn góp phần giữ được nghề dệt truyền thống của địa phương”, chị Ngát cho biết.
HTX thực hiện các phương thức tổ chức sản xuất linh hoạt, khai thác lợi thế làng nghề truyền thống, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân địa phương. |
Theo Giám đốc HTX Bình Định Phạm Thị Nhài, để đứng vững trên thị trường trong giai đoạn hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may cũng gặp nhiều trở ngại vì thị trường không ổn định, giá bán sản phẩm không cao. Trong khi đó, chi phí đầu tư mua nguyên liệu, sửa chữa máy móc, công nghệ của HTX lại rất hạn chế.
“Có những thời điểm, HTX gặp khó khăn chồng chất từ thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, không tiêu thụ được sản phẩm. Để khắc phục khó khăn về vốn, Ban quản trị HTX đã chủ động liên kết, tận dụng các mối quan hệ của cán bộ, thành viên HTX để thu mua nguyên liệu của các cơ sở sản xuất ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định với hình thức trả chậm. HTX đã thực hiện các phương thức tổ chức sản xuất linh hoạt, khai thác lợi thế làng nghề truyền thống, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân địa phương”, chị Nhài chia sẻ.
Trong chỉ đạo sản xuất, HTX luôn đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX ký kết hợp đồng với CTCP Dệt may Sơn Nam, CTCP Vĩnh Giang... Nhờ đó, dù dịch bệnh Covid-19 xảy ra, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX gặp nhiều khó khăn, nhưng HTX Bình Định vẫn duy trì được hoạt động sản xuất.
Đến nay, HTX có 27 thành viên và 50 lao động thường xuyên với 40 máy dệt, công suất tiêu thụ 10 tấn sợi/tháng; bình quân đạt trên 300 nghìn sản phẩm/tháng. Năm 2019, vốn lưu động của HTX đạt trên 3,1 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt trên 8,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên đạt 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, thu nhập người lao động đạt 4 - 4,5triệu đồng/người/tháng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ của HTX giảm 1/3 so với trước đây, nhưng vẫn là con số đáng mơ ước của nhiều doanh nghiệp, HTX.
Liên kết để đứng vững
Cũng theo Giám đốc Phạm Thị Nhài, để HTX Bình Định đứng vững trên thị trường, ngoài các biện pháp quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh phù hợp, HTX đã đảm bảo công bằng quyền lợi của thành viên, HTX còn tăng cường liên kết để sản xuất ra sản phẩm chất lượng, ổn định đầu ra và xuất khẩu khăn mặt sang Nhật.
Nhờ có việc làm thường xuyên nên người lao động của HTX Bình Định có thu nhập ổn định |
Theo ông Mai Văn Giang, Phó giám đốc CTCP Vĩnh Giang - doanh nghiệp liên kết thực hiện công đoạn nhuộm, đóng hộp và xuất khẩu sang Nhật sản phẩm khăn mặt của HTX Bình Định, các đối tác Nhật rất kỹ tính trong kiểm tra chất lượng hàng hoá. Do vậy, ngoài việc đảm bảo chất lượng, phía công ty cũng phải đảm bảo việc xử lý nước thải ra môi trường theo đúng tiêu chuẩn mà đối tác đặt ra.
Ông Giang cho biết, qua nhiều năm ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm khăn mặt, công ty nhận thấy HTX Bình Định là đơn vị rất có uy tín và luôn có ý thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Hiện, CTCP Vĩnh Giang đang thực hiện công đoạn nhuộm và làm sạch sản phẩm, đóng gói và xuất khẩu sang Nhật.
“Để việc xử lý môi trường được đảm bảo, Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bể lắng, bể lọc theo đúng quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, đồng thời tái tuần hoàn sử dụng nước thải để tiết kiệm nguồn nước”, ông Giang cho biêt.
Phạm Duy