Từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án VnSAT, HTX đã liên kết và hỗ trợ người dân triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê, giúp giảm công lao động và chi phí sản xuất, tăng năng suất cà phê 20 - 30% so với trước.
Giảm chi phí, tăng năng suất
Theo đó, từ năm 2019, 10 hộ nông dân tại xã Ia Mơ Nông và Ia Ka tham gia mô hình tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc với diện tích hơn 22ha cà phê. Tổng kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước là 87 triệu đồng/ha, trong đó Dự án VnSAT hỗ trợ 50%, còn lại do người dân đối ứng.
Hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc giúp tiết kiệm 30 - 50% lượng nước tưới (Ảnh: TL) |
Giám đốc Lê Văn Thanh cho biết, HTX Ia Mơ Nông có 16 thành viên và liên kết với 9 tổ hợp tác (248 hộ dân) canh tác hơn 384ha cà phê. Trước đây, người trồng cà phê sử dụng nước tưới rất lãng phí và còn để thất thoát chất dinh dưỡng do bị rửa trôi.
Tuy nhiên, từ ngày lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, việc chăm sóc tưới cà phê vừa giảm công lao động, phân bón, lượng nước, vừa hạn chế xói mòn, rửa trôi mặt đất, năng suất lại tăng 20 - 30%.
Năm nay, mặc dù nắng nóng kéo dài khiến hàng nghìn ha cây trồng trên địa bàn huyện Chư Păh bị hạn nặng, nhưng nhờ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, nên vườn cà phê của gia đình ông Rơ Châm Hyur (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) vẫn đảm bảo nước tưới và phát triển tốt.
“Gia đình tôi có hơn 1ha cà phê, trong đó một nửa diện tích mới tái canh năm 2019 có trồng xen gần 100 cây sầu riêng, còn lại là cà phê kinh doanh. Trước đây, cứ vào mùa khô, vườn cà phê chỉ đủ nước tưới khoảng 3 đợt, mỗi đợt tưới phải mất 2 - 3 ngày. Thậm chí, có thời điểm cạn nước chỉ tưới được 1 - 2 tiếng lại phải tắt máy bơm nên phải tưới cả tuần mới xong.
Hiện nay, với hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, tôi chỉ cần bật máy bơm là tự động tưới, phân bón cũng được đưa qua hệ thống giúp giảm chi phí nhân công. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh hại”, ông Hyur cho biết.
Đáng chú ý là mô hình của gia đình anh Trần Thành Luân (làng Al, xã Ia Mơ Nông). Với 1,2ha cà phê đang kinh doanh, anh đầu tư thêm ống để lắp đặt hệ thống phun mưa ngay trên ngọn cây cà phê. Cách tưới này giúp làm mát toàn bộ cây cà phê, đồng thời cây cà phê hấp thụ được nước tưới đều hơn. Lượng nước, phân bón, tiền điện và công tưới cũng giảm.
“Đặc biệt, với hệ thống này, tôi áp dụng bón phân qua đường ống, giúp lượng phân bón không bị thất thoát, cây hấp thụ tốt hơn”, anh Luân cho biết.
Với hiệu quả thấy rõ, HTX Ia Mơ Nông dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ tiếp tục vận động người dân lắp đặt thêm hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc trên khoảng 100ha cà phê nữa để chủ động chống hạn, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Hiện nay, diện tích cà phê trên cả nước vào khoảng 640.000ha, trong đó tại 5 tỉnh Tây Nguyên khoảng 570.000ha. Nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho thấy, tại Tây Nguyên thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, nhưng nông dân trồng cà phê đã sử dụng nước tưới rất nhiều gây lãng phí, thất thoát chất dinh dưỡng do bị rửa trôi và làm giảm hiệu quả sản xuất cà phê.
Năng suất cà phê tăng 20 - 30%, mang lại lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường (Ảnh: TL) |
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Chư Păh cho hay, qua theo dõi cho thấy, mô hình tưới tiết kiệm nước phun mưa tại gốc rất hiệu quả, đưa nước, chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng gốc cây trồng một cách liên tục, đồng thời giúp tiết kiệm 30 - 50% lượng nước.
Mô hình này rất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng tăng. “Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với các xã nằm trong dự án VnSAT để vận động người dân lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tại gốc, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững”, đại diện Phòng NN&PTNT thông tin.
Hiệu quả của mô hình tưới tiết kiệm của HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông triển khai đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nông dân trên địa bàn huyện Chư Păh, góp phần cùng địa phương tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Qua tìm hiểu, ông Nguyễn Ngọc Bích (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) đã quyết định đầu tư hệ thống phun mưa tận gốc cho vườn cây cà phê của gia đình.
Trước đây, ông Bích sử dụng béc quay để tưới cà phê trên diện tích 2,5ha, trung bình 1ha mất hơn 3 ngày 3 đêm để tưới, sau đó phải thêm công đoạn dùng béc dí để tưới vào các góc khuất của cây.
Còn với hệ thống tưới phun mưa tận gốc, hiện chỉ cần 1 ngày 1 đêm là tưới xong 1ha cà phê, giảm được 2/3 thời gian tưới. Thậm chí, hệ thống này còn thực hiện bón phân, phun thuốc rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, gia đình ông Bích cũng tiết giảm được tiền điện đáng kể. Trước đây, với một lần tưới, ông Bích phải mất 1.600kW điện, còn hiện tại chỉ hết 500kW.
“Ngày trước, chăm sóc cà phê rất vất vả, mỗi lần tưới, tôi phải thuê 2 người cùng làm. Giờ có hệ thống tưới tiết kiệm thoải mái hơn rất nhiều, một mình cũng có thể chăm sóc cho cả vườn cà phê”, ông Bích cho biết.
Đức Nguyễn