Theo các thành viên HTX, ưu điểm của nghề nuôi ong lấy mật là vốn đầu tư ban đầu không lớn, không tốn nhiều nhân lực mà lại cho thu nhập tương đối cao. Mật ong được các thương lái, doanh nghiệp ở nhiều nơi đến thu mua, ong giống chủ yếu bán cho người dân địa phương có nhu cầu nên giúp các thành viên gia tăng nguồn thu.
Sản phẩm sạch rộng đầu ra
Được sự hỗ trợ của các cấp ngành, đến nay, HTX có 22 thành viên với 4.000 đàn ong. Trung bình mỗi năm, HTX xuất ra thị trường 500 tấn mật. Sản phẩm được kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trên chai có dán tem nhãn và được bảo quản cẩn thận trước khi xuất ra thị trường.
Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX, cho biết nghề nuôi ong mang lại siêu lợi nhuận nếu bảo đảm được quy trình và chất lượng. Khi tham gia HTX, các thành viên phải loại bỏ cách nuôi ong khai thác hoa nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, cho ong ăn đường. Thay vào đó là nuôi ong theo quy trình, đẩy mạnh liên kết để mở rộng đầu ra.
Để có sản lượng mật ổn định quanh năm, thành viên HTX liên tục di chuyển đàn ong đến các vùng miền của đất nước như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hưng Yên, Hà Giang... Vừa lấy mật, vừa nhân đàn, từ 50 đàn ong ban đầu, đến nay các thành viên đã có trong tay 4.000 đàn.
Giám đốc Trần Xuân Phong giới thiệu các sản phẩm của HTX |
Nuôi ong cũng nhiều khó khăn, nếu nuôi chỉ để lấy mật dùng thì khá đơn giản nhưng nuôi số lượng lớn để làm giàu rất khó, phải am hiểu thời tiết, địa lý. Trong quá trình nuôi phải nắm bắt rõ đặc tính đi lại, ăn uống, quy luật trưởng thành, các loại bệnh có thể xảy ra đối với đàn ong như: Thối ấu trùng, ký sinh trùng, hội chứng ngộ độc, từ đó mới có thể duy trì và tăng nhanh số lượng đàn ong. Chính vì vậy, các thành viên đã phải liên tục trao đổi, học hỏi kinh nghiệm đến tìm hiểu thông tin ở các phương tiện truyền thông sau đó chắt lọc để áp dụng hiệu quả.
Hiện, ngoài mật ong hoa nhãn, HTX còn có mật ong bạc hà khai thác từ cây hoa bạc hà dại mọc trên núi đá của cao nguyên Đồng Văn thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang). Đây là những sản phẩm giúp HTX xây dựng thành công thương hiệu “Mật ong Phong Thổ”.
Nhờ tích cực liên kết, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Ong Đắk Lắk, Sàn giao dịch nông sản Hà Nội, hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm an toàn trên toàn quốc. Vì vậy, mật ong sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.
An toàn cho người lao động
Nghề nuôi ong không chỉ giúp HTX thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm mà còn tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Việc mang lại hiệu quả kinh tế từ nuôi ong lấy mật là tương đối cao, nhưng trong quá trình nuôi, tai nạn do ong đốt cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Với mong muốn người lao động được bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc, HTX đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn lao động (ATLĐ). Không chỉ được tập huấn về kỹ năng nuôi ong, các thành viên HTX còn được cấp phát tài liệu, hướng dẫn, thực hành về cách sơ cấp cứu nếu chẳng may bị ong tấn công.
Mặc quần áo bảo hộ giúp hạn chế bị ong tấn công (Ảnh:TL) |
“Nếu bị ong đốt, phải bình tĩnh lấy ngòi chích ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, sau đó rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau, giảm sưng rồi nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất”, Giám đốc Trần Xuân Phong cho biết.
Trong quá trình làm việc, ở một số công đoạn nhất định, các thành viên được cấp phát bảo hộ lao động và hướng dẫn về ATLĐ khi thao tác, khuân vác các vật nặng.
Khi tiếp xúc với ong, các thành viên và người lao động phải tuân thủ nguyên tắc không được sử dụng các hóa chất, hương liệu, mỹ phẩm… trên quần áo hoặc thân thể để tránh gây sốc cho ong; không mặc quần áo sặc sỡ để thu hút ong. Thay vào đó là dùng các bảo hộ lao động cần thiết như lưới che mặt, găng tay để hạn chế bị thương do ong tấn công.
Theo các thành viên, việc trang bị quần áo bảo hộ lao động là cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe, tránh rủi ro và nâng cao hiệu quả về ATLĐ cho người tham gia công việc bắt ong và lấy mật ong.
Nhờ chú trọng đến ATLĐ và hướng đến phát triển bền vững, HTX Phong Thổ không chỉ xây dựng được thương hiệu cho riêng mình mà còn thu hút nhiều người dân tham gia, trong đó có các đoàn viên thanh niên trên địa bàn.
Như Yến