Sự phát triển của các HTX đã góp phần vừa đạt mục tiêu tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác (KTHT), vừa góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng thời tác động làm chuyển biến nhận thức của xã hội về vai trò của KTHT, HTX.
Tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất
Theo kết quả điều tra của các bộ, ngành chức năng, hiện nay cả nước có khoảng có 17,2 triệu hộ dân sống ở vùng nông thôn, trong đó có khoảng 16 triệu hộ sản xuất kinh doanh (kinh tế hộ). Trước đây, đất sản xuất ở vùng nông thôn thường manh mún, nhỏ lẻ. Qua quá trình tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế nên đến nay cả nước có khoảng 10 triệu mảnh ruộng canh tác. Việc tổ chức sản xuất theo mô hình THT, HTX cũng đang trở thành xu thế tất yếu đã góp phần thúc đẩy việc tích tụ, tập trung đất đai, huy động nguồn lực tài chính, lao động và các nguồn lực khác để sản xuất kinh doanh (SX-KD), cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, đến nay, cả nước đã có 10,4 triệu thành viên KTHT, HTX; khoảng trên 65% tổng số hộ nông thôn tham gia KTHT, HTX và có xu hướng ngày càng tăng. Điều này đã chứng tỏ phần lớn người dân, nhất là vùng nông thôn đã nhận thức được vai trò của KTHT, HTX. Các địa phương trong cả nước đã chỉ đạo thực hiện phát triển KTTT, HTX gắn với chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP, Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo Quyết định số 461/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án xây dựng mô hình SX-KD theo chuỗi giá trị… Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết với các doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất theo chuỗi giá trị, qua đó thúc đẩy phát triển KTHT, HTX.
Nhiều HTX thực hiện tái cơ cấu, mở rộng quy mô, thực hiện liên kết với DN và các hộ sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng KH-CN vào sản xuất đem lại hiệu quả tích cực. Nhiều mô hình SX-KD hiệu quả đã xuất hiện, điển hình như HTX Lâm nghiệp công nghệ cao tỉnh Phú Yên (với quy mô cấp tỉnh), HTX Bò sữa Evergrowth tỉnh Sóc Trăng (đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa), HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào tỉnh Lâm Đồng, sản xuất rau an toàn, liên kết với các siêu thị và trực tiếp tiêu thụ tại 52 tỉnh trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc; HTX Thanh Long Tầm vu ở Long An; HTX xoài La Ngà ở Định Quán, Đồng Nai…
“Các DN cũng nhận thức được sự cần thiết việc thành lập, liên kết với HTX, THT để sản xuất vùng nguyên liệu cung cấp cho khâu chế biến. Nhiều DN đã liên kết với HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Có DN đầu tư nhà máy chế biến, đồng thời gia nhập thành viên HTX để mở rộng quy mô và ổn định vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, (tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2010). Không còn xã dưới 5 tiêu chí. Có 93 đơn vị cấp huyện (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã, tỉnh trong cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM là (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ).
Tích tụ ruộng đất giúp cho các HTX phát triển và thúc đẩy chương trình xây dựng NTM nhanh và bền vững |
Góp phần tích cực xây dựng NTM
Đặc biệt, hai tỉnh Đồng Nai và Nam Định có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đối với tiêu chí số 13, trên 6.000 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất xã có HTX hoạt động hiệu quả theo đúng quy định của Luật HTX 2012, xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững.
Năm 2019, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện xây dựng 63 mô hình HTX SX-KD theo chuỗi giá trị sản phẩm tại 62 tỉnh, thành phố. Hỗ trợ 14 mô hình HTX phát triển sản xuất theo phương thức hỗ trợ sinh kế; 8 mô hình HTX nhận chuyển giao công nghệ từ đề tài KH-CN và có gần 600 mô hình HTX do Liên minh HTX các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành tại địa phương triển khai xây dựng.
Hoạt động sản xuất chủ yếu của các HTX là trồng rau củ quả, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, chế biến cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chăn nuôi gà, lợn, chế biến nông sản, mắm, miến dong, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan... Việc hỗ trợ tích cực của hệ thống Liên minh đã góp phần mở rộng số lượng và quy mô HTX SX-KD gắn với chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; cải thiện năng lực quản trị, điều hành HTX; gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; chi phí SX-KD của HTX giảm, doanh thu của HTX tăng, kéo theo lợi nhuận của HTX tăng 10 - 12%, mang lại nhiều hơn lợi ích cho thành viên.
Nhiều Liên minh HTX tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, Kế hoạch xây dựng mô hình HTX sản SX-KD gắn với chuỗi giá trị, điển hình như: Phú Thọ 32 HTX; Cần Thơ 30 HTX, Hậu Giang 20 HTX; Tiền Giang 20 HTX; Hưng Yên 14 HTX.
Phạm Duy