Tính đến hết năm 2019, Hà Nội có 1.493 THT, tăng 100 tổ hợp tác (THT) so với năm 2018 với tổng số thành viên là 4.485 người; 1.942 HTX và quỹ TDND, tăng 80 HTX so với năm 2018, vượt 67% so với kế hoạch; 13 Liên hiệp HTX, tăng 3 Liên hiệp HTX so với năm 2018. Số lượng HTX hoạt động hiệu quả là 1.068, chiếm 65% số HTX đang hoạt động. Trong số các HTX đang hoạt động, có 706 HTX dịch vụ nông nghiệp, 267 HTX trồng trọt; 43 HTX chăn nuôi, 27 HTX thủy sản; 68 HTX có quản lý dịch vụ điện; 89 HTX sản xuất gắn với chuỗi liên kết; 60 HTX có áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ...
Hoàn thành tốt nhiệm vụ
Theo đánh giá, các HTX dịch vụ nông nghiệp thu hút số lượng các thành viên đông nhất, trung bình 417 thành viên. Các HTX dịch vụ tổ chức tốt các dịch vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của thành viên, lựa chọn các giống cây trồng có ưu điểm ít sâu bệnh, chất lượng cao; phân bón rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chất lượng; dịch vụ thủy lợi nội đồng; cơ giới hóa trong sản xuất; bảo vệ môi trường...
Việc cung cấp tốt các dịch vụ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ thành viên trong sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản lượng, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ, tạo sự gắn kết giữa thành viên với HTX, thành viên tin tưởng vào sự điều hành của HĐQT. Nhiều HTX tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ đầu ra cho thành viên.
Đa số các HTX đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, tích cực tham gia các hội chợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương. HTX đã liên kết các khâu tham gia chuỗi giá trị, hỗ trợ thành viên trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên yên tâm sản xuất.
Về sản xuất, các HTX đã xây dựng kế hoạch mùa vụ, chỉ đạo sản xuất cho trên 200.000 ha đất nông nghiệp, tuyên truyền, vận động nhân dân tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ thực hiện quy trình sản xuất chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX mạnh dạn tích tụ ruộng đất bằng nhiều hình thức như thuê mượn, thành viên góp đất để hình thành các vùng sản xuất, huy động vốn góp của các thành viên đầu tư cho phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao...
Theo đánh giá, các HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 đã hoạt động tốt. Tuy nhiên, một số HTX mới thành lập còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, chính sách đất đai, thị trường tiêu thụ, liên kết để sản xuất và phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ nông sản.
![]() |
Hội nghị gặp mặt và kết nạp thành viên mới của Liên minh HTX Hà Nội |
Có chính sách hỗ trợ HTX mới
Ông Lê Đình Bình - Giám đốc HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú (Quốc Oai), cho biết HTX mới thành lập năm 2019 và vừa được chứng nhận là thành viên của Liên minh HTX Tp.Hà Nội năm 2019. HTX có 23 thành viên, chuyên nuôi gà thương phẩm và gà trứng, trong đó có gà đen H’Mông. “Là đơn vị mới thành lập, việc mở rộng sản xuất chăn nuôi còn gặp khó khăn, công tác tìm kiếm thị trường còn hạn chế. Do vậy, đơn vị mong có sự hợp tác, hỗ trợ của các HTX và của Liên minh HTX để đưa HTX ngày càng phát triển hơn, qua đó mở rộng thị trường bao tiêu thực phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định để các thành viên yên tâm sản xuất”, ông Bình mong muốn.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Như Hảo, Giám đốc HTX Sản xuất bưởi an toàn Quý Dương (Hoài Đức), cho biết HTX thành lập năm 2017, đến nay có 25 thành viên. Trước đây, khi chưa thành lập HTX, hàng năm người dân địa phương cung cấp cho thị trường Hà Nội 35 - 40 nghìn quả bưởi. Đến thời điểm này, HTX đã cung cấp hơn 150 nghìn quả bưởi và đã cung cấp vào siêu thị VinMart và bảo đảm sản xuất an toàn.
“HTX đóng gói sản phẩm với mẫu mã đẹp, bảo đảm an toàn, thân thiện với môi trường để người tiêu dùng sử dụng. Tuy nhiên, đơn vị rất mong Liên minh HTX Hà Nội nói riêng, Liên minh HTX Việt Nam và các HTX, doanh nghiệp hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ về thuê đất làm trụ sở, cho vay vốn sản xuất”, ông Hảo đề xuất.
Tại hội nghị gặp mặt và kết nạp thành viên mới diễn ra ngày 25/12, ông Lê Văn Thư - Chủ tịch Liên minh HTX Tp.Hà Nội đánh giá cao sự tích cực của các thành viên mới, đồng thời cho biết, các HTX mới thành lập nói riêng, các HTX trên địa bàn Hà Nội nói chung rất cần sự hỗ trợ của Liên minh hai cấp.
“HTX có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, để các HTX phát triển bền vững, lãnh đạo các HTX phải thực sự tâm huyết, có phương hướng sản xuất, kinh doanh một cách cụ thể, chi tiết. Đặc biệt là cần tăng cường liên kết để cùng nhau thúc đẩy phát triển, trong đó có xây dựng chuỗi giá trị để quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đặc biệt, các HTX phải sản xuất an toàn, chất lượng, bảo vệ môi trường, dù là sản xuất hay chế biến. Khi lưu thông sản phẩm ra thị trường cần có địa chỉ rõ ràng, minh bạch, có chỉ dẫn địa lý”, ông Thư lưu ý.
Phạm Duy