Các sản phẩm hàng hóa như chè shan tuyết, cam sành, mật ong bạc hà, thực phẩm sạch đã qua chế biến, tinh bột nghệ, rượu ngô men lá, sản phẩm rau quả sạch, gà địa phương, lợn bản địa... chủ yếu được chế biến từ nông - lâm nghiệp và chăn nuôi, qua đó góp phần gia tăng giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, hình thành các mô hình HTX kiểu mới, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm.
HTX điển hình
Với sự hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, tháng 11/2017 HTX Nhật Minh ở xã Tân Quang, Bắc Quang (Hà Giang) được thành lập với 7 thành viên và 10 lao động thường xuyên, vốn điều lệ là 1,5 tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất là bồ kết túi lọc và trà thảo mộc hoa đu đủ.
Ngay từ khi thành lập, Ban quản trị HTX đã đầu tư trang thiết bị sản xuất, máy móc, khu vực sơ chế, chế biến, xây dựng phương án hoạt động chi tiết, phân chia từng tổ cho thành viên khảo sát thu mua nguyên liệu từ nhiều nơi để có đủ nguyên liệu chế biến. HTX Nhật Minh cũng chủ động phương án sản xuất kinh doanh phù hợp và tập hợp nguồn lực phát triển sản xuất gắn với thị trường, tham gia chuỗi giá trị hàng hoá, đồng thời chú trọng đăng ký thương hiệu sản phẩm.
Đến thời điểm này, các sản phẩm của HTX đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận về tiêu chuẩn y tế, thực phẩm đồ uống và mỹ phẩm. Hiện tại, HTX đang sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và liên kết với công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu quốc tế Vạn Long (Hà Nội) để phân phối độc quyền 2 sản phẩm này và đã có 400 cửa hàng tại nhiều tỉnh bán sản phẩm của HTX.
Theo đánh giá của Ban lãnh đạo HTX, để hoạt động hiệu quả, yếu tố liên kết và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sẽ giúp cho sản xuất phát triển. Việc liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối sản phẩm đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho thành viên và phát triển được mạng lưới tiêu thụ. Hiện nay, HTX đã có doanh thu trên 2 tỷ đồng mỗi năm, thu nhập bình quân của các thành viên đạt 7 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc HTX Nhật Minh, cho biết thực tế trên thị trường hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực lại không phải là những loại cây có quy mô lớn, hoặc những loại cây có giá trị cao được nhắc đến thường xuyên, mà là những loại cây rất mộc mạc xong ẩn chứa những tác dụng rất lớn liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho con người, do vậy sản phẩm của HTX sản xuất ra không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Để bảo đảm sản lượng cung cấp ra thị trường, HTX đã chủ động nguồn nguyên liệu bằng việc liên kết với người dân trồng trên 25 ha vùng nguyên liệu cho sản xuất. Để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, HTX rất mong Nhà nước, nhất là Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ bằng các hình thức như đất sản xuất, đất làm trụ sở, vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để HTX có điều kiện mua sắm máy móc thiết bị hiện đại và công suất cao hơn để phục vụ sản xuất, chế biến, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân”, bà Nguyễn Thị Mai kiến nghị.
Theo đánh giá của lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, HTX Nhật Minh là một trong những HTX điển hình của huyện Bắc Quang hoạt động theo Luật HTX 2012 và có những bước đi đúng hướng theo mô hình HTX kiểu mới, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa là sản phẩm chủ lực của địa phương đến với thị trường trong và ngoài nước.
Mô hình nuôi ong mật bạc hà mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX ở Hà Giang |
Nhiều khởi sắc
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, xác định kinh tế hợp tác với nòng cốt là HTX có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Hà Giang quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX.
Trong năm 2019, Hà Giang thành lập mới 49 HTX, các HTX hoạt động đa dạng về loại hình, tăng trưởng vốn kinh doanh, phương án sản xuất, năng lực tài chính, chất lượng cán bộ quản lý được nâng cao. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều HTX kết nối với các HTX, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng hàng hoá tập trung theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm.
Đến thời điểm này, Hà Giang có 673 HTX, trong đó có 580 HTX đang hoạt động với 357 HTX ngông nghiệp, 109 HTX sản xuất, chế biến với 133 sản phẩm hàng hoá được đưa ra thị trường tiêu thụ như chè shan tuyết Hà Giang, cam sành Hà Giang, mật ong bạc hà, thực phẩm sạch đã qua chế biến, tinh bột nghệ, rượu ngô men lá, sản phẩm rau quả sạch, gà địa phương, lợn bản địa...
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Giang, cho biết: “Kể từ khi Luật HTX 2012 ra đời và đi vào cuộc sống, số HTX tại địa phương đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả hơn hẳn so với trước đó. Trình độ quản lý của cán bộ lãnh đạo HTX đã từng bước được nâng lên. Các HTX đã chủ động, tích cực đưa các sản phẩm chủ lực của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước mà trước đó ít người biết đến, qua đó nâng cao giá trị của sản phẩm chủ lực của địa phương”.
Phạm Duy