Theo kinh nghiệm từ Liên đoàn HTX nông nghiệp Nhật Bản (JA-Zenchu), các sản phẩm nông nghiệp của Nhật cạnh tranh được, có giá trị cao trước tiên là nhờ chất lượng rất cao. Chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp được bắt đầu từ mỗi hộ nông dân và tiếp tục các khâu chế biến, bảo quản, đóng gói, tiếp thị và bán hàng tại HTX.
Tập trung chế biến và tiêu thụ
Trước kia, trong thời kỳ đầu, các HTX thực hiện nhiều dịch vụ đầu vào như làm đất, cung cấp phân bón, giống... Nhưng càng về sau, nhu cầu chủ yếu của thành viên là hỗ trợ đầu ra. Các HTX nông nghiệp Nhật Bản đã làm rất tốt dịch vụ đầu ra cho thành viên của mình. Sản phẩm của người nông dân được gia tăng giá trị thông qua các hoạt động chế biến và phân phối của HTX.
Các HTX nông nghiệp Nhật Bản đã đặt ra cho mình một chức năng rất quan trọng và cần thiết, là hình thành và phát triển các chuỗi gia tăng giá trị sản phẩm, bao gồm cả tiêu thụ, bán hàng trực tiếp để mang lại hiệu quả cao nhất cho thành viên của mình.
Chế biến thành phẩm, xúc tiến thương mại và trực tiếp phân phối sản phẩm là những nhu cầu bức thiết nhất của người nông dân, thành viên HTX.
Vì vậy các HTX nông nghiệp ở CHLB Đức, đặc biệt trong các lĩnh vực sữa, thịt, rau quả, rượu nho… đã rất chú trọng vào các khâu chế biến và trực tiếp tiêu thụ. Chuỗi gia tăng giá trị sản phẩm được hình thành và hoạt động hiệu quả ngay tại các HTX với những sản phẩm đặc thù, chất lượng cao.
Hiện nay, Đức có 2.099 HTX nông nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, mua bán nông sản; sản phẩm sữa; nho và rượu vang; chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt; chế biến rau, quả; chế biến thức ăn gia súc; dịch vụ máy nông nghiệp; thủy hải sản; hoa, cây cảnh; dịch vụ nhà kho, nhà đông lạnh; chế biến nho…
Các HTX nông nghiệp của Đức đang nắm thị phần cao từ 20% đến trên 50% đối với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng, sản phẩm thịt, các sản phẩm sữa, hay rượu nho…
Các HTX nông nghiệp ở Đức luôn nhạy bén với thị trường |
Gia tăng lợi ích với chuỗi giá trị
Các HTX nông nghiệp ở Đức luôn nhạy bén với thị trường, nắm bắt xu thế chung của người tiêu dùng là ưa chuộng các nông phẩm sinh thái, các nông sản sạch để định hướng.
HTX tư vấn hỗ trợ các thành viên của mình trong việc trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến theo đúng tiêu chuẩn, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm thịt sạch, sữa sạch, rau quả sạch mang thương hiệu HTX… đang là những sản phẩm chất lượng cao, có giá trị và được ưa thích trên thị trường.
Nhờ vậy, các HTX đã giúp cho người nông dân tiêu thụ được sản phẩm và tăng thêm thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng nhiều.
Tương tự như ở Đức, ở Hà Lan từ hàng chục năm nay đã có chiến lược chuỗi giá trị tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp do hơn 200 HTX nông nghiệp thực hiện.
Theo đó, các HTX phát triển các chuỗi giá trị gia tăng, thực hiện dịch vụ logistics, chế biến thành phẩm và trực tiếp phân phối các sản phẩm nông nghiệp của nông dân.
Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm hữu cơ của nông dân Hà Lan nhờ vậy không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi toàn thế giới.
Những nghiên cứu về lịch sử hình thành và xu thế phát triển của các HTX trên toàn thế giới đã đem lại những bài học kinh nghiệm qúy giá. Đặc biệt là nghiên cứu về xu thế tại các nước phát triển, các nước có khu vực kinh tế HTX hiệu quả với truyền thống lâu đời đã càng khẳng định những quy luật phát triển tất yếu và khách quan cho mô hình kinh tế hợp tác này.
Và những xu thế này cũng chính là những bài học, những mục tiêu và giải pháp cần thiết cho mô hình HTX Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 với tầm nhìn xa hơn.
HTX ở các nước phát triển hay còn gọi là HTX kiểu mới ở nước ta, mô hình kinh tế ra đời gắn liền và tồn tại cùng với kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường được định hướng theo khách hàng, theo nhu cầu đầu ra của thị trường.
Đây là quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Vì vậy xu hướng phát triển chung trên thế giới hiện nay, đặc biệt với các HTX nông nghiệp và dịch vụ nông thôn là mô hình HTX rất chú trọng đến các dịch vụ đầu ra cho thành viên.
Để làm việc này, các HTX phải liên kết, đầu tư phát triển xây dựng các chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nhằm cung cấp dịch vụ đầu ra, đem lại lợi ích kinh tế cao nhất cho thành viên.
(Kỳ tới: Kinh doanh đa ngành, đa dịch vụ)
Phạm Quang Vinh