Đức là nước có nền kinh tế mạnh và ổn định nhất châu Âu. Với chỉ khoảng trên 2% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng lại có tới 18 triệu ha đất, tương đương với 50% diện tích lãnh thổ của Đức, được sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Một nửa còn lại là đất đô thị, khu công nghiệp và đất rừng.
Doanh thu lớn, hoạt động hiệu quả
Số lượng các HTX nông nghiệp và dịch vụ nông thôn ở Đức chiếm tỷ lệ khá cao với 2.433 HTX và 19 Liên hiệp HTX trong tổng số gần 8.000 HTX hiện có, bao gồm 790 HTX chuyển đổi từ CHDC Đức trước kia.
Các HTX nông nghiệp đã thu hút tổng cộng gần hơn 1,5 triệu thành viên. HTX nông nghiệp của CHLB Đức hoạt động đa năng tất cả các lĩnh vực khác nhau.
Ngoài ra còn có rất nhiều HTX dịch vụ nông thôn hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề như dịch vụ quản lý chợ, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ vật liệu xây dựng, dịch vụ sấy khô, đóng gói sản phẩm, dịch vụ than, dầu đốt...
Trong số các HTX nông nghiệp hiện nay, vẫn còn có 140 HTX đang thực hiện đồng thời hoạt động tiết kiệm - tín dụng theo giấy phép của cơ quan chức năng ngành ngân hàng.
Ngoài dịch vụ cung cấp cho thành viên, các HTX nông nghiệp tạo ra hơn 83.000 việc làm dài hạn. Tính trung bình mỗi HTX nông nghiệp sử dụng 35 lao động.
Nhờ cơ giới hóa, tự động hóa rất cao, năng suất lao động nông nghiệp cũng được tăng đáng kể. Cách đây hơn 60 năm, một lao động nông nghiệp có thể nuôi được 10 người, thì ngày nay con số đó là 124 người. Mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế nhưng với nhiều sản phẩm nông nghiệp, như sản phẩm thịt, sản phẩm sữa... mức cung vẫn lớn hơn mức cầu tại thị trường nội địa của Đức.
Vì vậy, Đức cũng rất chú trọng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp mỗi năm đạt hơn 3 tỷ Euro.
Các HTX nông nghiệp của Đức đang nắm thị phần cao đối với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng: 70% thị phần sản phẩm thịt chế biến, 33% thị phần thịt sơ chế, 66% thị phần của các sản phẩm sữa, hơn 33% thị phần rượu nho.
Nước Đức được coi là một trong những chiếc nôi đầu tiên của mô hình kinh tế HTX ở châu Âu
Nhà nước chỉ hỗ trợ gián tiếp
Nhà nước Đức chủ trương xây dựng một nền nông nghiệp có tính cạnh tranh cao và bền vững. Bên cạnh các mục tiêu cung cấp lương thực và thực phẩm, ngành nông nghiệp của Đức được trao thêm các nhiệm vụ, chức năng mới như cung cấp các sản phẩm nguyên vật liệu cho công nghiệp, công tác bảo tồn chăm sóc môi trường, cảnh quan nông nghiệp, phát triển và cung cấp năng lượng mới từ mặt trời và sức gió...
CHLB Đức đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay có tới hơn 30% diện tích canh tác nông nghiệp được khai thác, sử dụng theo các phương pháp mà sẽ tổn hại ít nhất cho môi trường. Các phương pháp này là trồng trọt sinh thái, sử dụng phân hữu cơ, giảm thiểu phân hóa học và thuốc trừ sâu độc hại, áp dụng các biện pháp bảo vệ cảnh quan, xây dựng các đồng cỏ, bãi chăn thả súc vật.
Ngày nay, phần lớn các chính sách nông nghiệp lớn của CHLB Đức đều do Ủy ban châu Âu quyết định và ban hành. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực như bảo vệ môi trường nông nghiệp, trong khuôn khổ chung nhà nước Đức vẫn có những chính sách hỗ trợ cụ thể.
Theo quy định pháp luật, các HTX nông nghiệp Đức cũng như trong các lĩnh vực khác được coi là một loại hình DN, hoạt động như DN khác và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp. Bình đẳng về mọi quyền lợi cũng như mọi nghĩa vụ theo luật định.
Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho nông nghiệp đều được áp dụng chung cho tất cả đối tượng tham gia lĩnh vực này, trong đó có HTX và xã viên HTX. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được nhà nước chú trọng đầu tư.
Trước kia, tất cả các chủ thể kinh doanh nông nghiệp, cá nhân, hộ gia đình, DN nông thôn hay HTX nông nghiệp đều được nhà nước Đức hỗ trợ khi họ bị ảnh hưởng, thiệt thòi vì các điều kiện hạ tầng khó khăn, không đảm bảo canh tranh. Hiện nay, các hỗ trợ trực tiếp đó đối với kinh tế nông nghiệp không còn phù hợp với chính sách chung của Ủy ban châu Âu nên bị bãi bỏ. Thay vào đó, nhà nước Đức sử dụng các chính sách hỗ trợ gián tiếp như thông qua các chương trình bảo vệ môi trường nông nghiệp, ưu đãi về thuế khi đầu tư vào thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, sức gió.
Nhà nước đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo cho người nông dân, giúp họ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái.
Do đa số người nông dân tham gia là thành viên của một HTX nông nghiệp nên rất nhiều chương trình đào tạo hay hỗ trợ gián tiếp cho người nông dân được các HTX chủ động thực hiện hoặc kết hợp, hợp tác với các cơ quan, tổ chức khác.
Thùy Linh
CHLB Đức có: |