HTX thanh long Thuận Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) đang có 10 thành viên thực hiện canh tác 9,5 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, 4ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP và 10,6 ha theo tiêu chuẩn Fairtrade (Thương mại công bằng).
Câu chuyện từ Bình Thuận
Để đảm bảo các tiêu chí, nhất là hoàn thành 360 tiêu chí trong sản xuất thanh long GlobalGAP, HTX đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, hệ thống tưới tích hợp bón phân, xây dựng nhà xưởng sơ chế…
Đặc biệt HTX hoạt động trên phương thức “ủy thác sản phẩm” cho thành viên cũng như hộ liên kết (HTX chỉ đứng giao dịch không mua bán như doanh nghiệp), bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sản phẩm bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, Fairtrade với giá ổn định từ 18 – 22 nghìn đồng/kg.
Nhờ đầu tư theo hướng hiện đại, sản phẩm của HTX đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Dubai... và một số siêu thị trong nước.
Điều khiến các thành viên HTX Thuận Tiến trăn trở là, do biến đổi khí hậu nên xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới làm sâu bệnh phát triển. Đây là nguyên nhân khiến HTX không đủ sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó việc thuê vận chuyển từ bên ngoài với chi phí ngày một tăng cao đang làm chậm quá trình phát triển của HTX.
Thực hiện đúng quy trình và ghi chép cẩn thận trong nhật ký là những yêu cầu bắt buộc để thanh long Thuận Tiến đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. |
“Chi phí vận chuyển tăng cao trong khi HTX chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất khiến nguồn thu của thành viên bị ảnh hưởng trực tiếp”, Giám đốc HTX Trần Đình Trung cho biết.
Cũng đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao, HTX sản xuất rau Phú Long (thị trấn Phú Long, tỉnh Bình Thuận) đã lắp đặt hệ thống nhà lưới, máy rửa rau ozon và một phần diện tích sản xuất theo phương pháp thủy canh. Thế nhưng, theo Ban giám đốc HTX, các thành viên chủ yếu là người lớn tuổi cùng với nguồn vốn đầu tư có hạn nên việc xúc tiến thương mại chủ yếu theo hình thức trực tiếp. Còn hình thức bán hàng thông qua hệ thống thương mại điện tử tuy đã được quan tâm nhưng chưa phát huy hiệu quả khiến đầu ra chỉ tập trung ở trong tỉnh và một vài tỉnh lân cận. Diện tích sản xuất cũng chỉ dừng ở 10ha.
Theo đánh giá từ Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận, không chỉ thiếu nguồn nhân lực mà quỹ đất, nguồn vốn dành phát triển sản xuất cũng hạn chế, nên không ít HTX chưa phát huy được hiệu quả khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Làm gì để khơi “dòng chảy” công nghệ?
Có thể thấy, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ cao vào sản xuất hiện nay được coi là khâu đột phá giúp các HTX phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, những địa phương nào có HTX, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều cho năng suất, chất lượng nông sản tốt, tiết kiệm đất đai, nước tưới, giảm chi phí sản xuất, từ đó giá thành sản phẩm giảm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế tác động tới môi trường.
Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến nay, cả nước có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 720% so với năm 2015). Nhờ ứng dụng công nghệ cao, chi phí đầu vào cho sản xuất của các HTX giảm 8%, thu nhập của thành viên tăng 10-25%.
Tuy tăng về số lượng nhưng tỷ lệ HTX mới chiếm 5% trong tổng số HTX, đây là con số khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân chính là do phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn kinh phí lớn, trong khi hầu hết các HTX nông nghiệp đều ít có tiềm lực kinh tế.
Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ cao tập trung vào một phần vốn từ các ngân hàng thương mại theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ và Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, rất ít HTX tiếp cận được vì khó đáp ứng về điều kiện như: tài sản thế chấp, thủ tục rườm rà, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả…
Cần tạo điều kiện cho HTX tiếp cận những nguồn vốn để phát triển theo hướng công nghệ cao một cách hiệu quả, bền vững. |
Vì vậy, các nguồn vốn hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ cao tập trung vào nguồn kinh phí từ địa phương hay nguồn vốn Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Chương trình nông thôn mới hay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây, mới chỉ có 2% số HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi mới chỉ có 55/63 tỉnh thành có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, trong buổi làm việc với Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận ngày 5.5.2021, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nói rằng, cần lồng ghép các nguồn lực của cả Trung ương và địa phương để hỗ trợ các HTX.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện trong xây dựng và bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tạo thuận lợi cho HTX được vay vốn để giải quyết những khó khăn cũng như đầu tư, phát triển theo hướng công nghệ cao.
Nhằm hướng đến mục tiêu vào năm 2030, cả nước có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hàng năm, Liên minh HTX Việt Nam vẫn duy trì các lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên HTX về hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, lựa chọn một số HTX có khả năng, tiềm lực để tư vấn, hỗ trợ, giúp các HTX đẩy mạnh ứng công nghệ cao và lựa chọn các công nghệ phù hợp vào sản xuất.
Huyền Trang