Từ sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể và Liên minh HTX, đến cuối năm 2020, tỉnh Ninh Bình có gần 500 THT, 1 liên hiệp HTX và 422 HTX, thu hút gần 350 nghìn thành viên và người lao động.
Bình đẳng lương- giáo
Dù vậy, sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với khu vực KTTT, HTX tỉnh Ninh Bình so với nhu cầu thực tế của các HTX vẫn chỉ như “muối bỏ bể” và chưa đáp ứng hết nhu cầu trong việc giúp cho KTTT, HTX phát triển như kỳ vọng đặt ra.
Theo ông Vũ Văn Cung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, KTTT, HTX trong những năm qua, mặc dù còn những khó khăn, song các HTX ở Ninh Bình không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua những khó khăn thử thách, từng bước thoát ra khỏi cơ chế quản lý cũ, hình thành mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, các HTX đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ninh Bình hiện có 422 HTX, thu hút gần 350 nghìn thành viên và người lao động, 100% HTX trong diện tiến hành chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật mới, hoạt động có chuyển biến rõ nét, khắc phục yếu kém trong tổ chức và hoạt động, khẳng định và nâng cao trách nhiệm, vai trò đối với thành viên.
Các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và từng bước mang lại lợi nhuận cho thành viên. |
Doanh thu năm 2020 của các HTX ước đạt hơn 5 tỷ 100 triệu đồng, thu nhập bình quân ước đạt 263 triệu đồng. Các HTX đảm nhiệm tốt một số khâu dịch vụ đầu vào, dịch vụ thu hoạch, cấy máy, liên kết với các doanh nghiệp giúp thành viên tiêu thụ sản phẩm...
Ngoài ra các HTX tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thành viên HTX về cây trồng vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới... ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng một số chuỗi sản phẩm chủ lực của địa phương.
Ninh Bình là tỉnh có đông đồng bào công giáo sinh sống và nằm xen kẽ ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Các cấp chính quyền và Liên minh HTX tỉnh luôn quan tâm và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khu vực KTTT, HTX phát triển và không có sự phân biệt tôn giáo.
“Chẳng hạn như Nghị quyết số 05 năm 2016 của Tỉnh ủy Ninh Bình và Nghị quyết số 113 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững trên địa bàn tỉnh đã tạo "đòn bẩy" quan trọng để KTTT, HTX trên địa bàn phát triển”, ông Cung nói.
Sớm gỡ khó cho HTX
Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian qua, KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có sự phát triển nhanh chóng và từng bước đóng góp vai trò vào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và Liên minh HTX hai cấp đã giúp cho KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững. |
Ninh Bình là địa phương có nhiều lợi thế về nông nghiệp, về du lịch cũng như nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Điều quan trọng nhất là đồng bào lương- giáo sinh sống trên địa bàn hết sức đoàn kết, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó đưa đời sống, thu nhập của người dân ngày một nâng cao.
Tuy nhiên, nhiều HTX, nhiều địa phương chưa khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế của mình để thực sự giúp thành viên, người dân nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển và ấm no.
Nguyên nhân được xác định là nhiều HTX còn thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, hạn chế về công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 đang phát triển như vũ bão hiện nay. Về nguồn nhân lực của khu vực KTTT, HTX cũng còn yếu và hạn chế so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
Nguồn vốn của các HTX cũng còn hạn chế và chưa được tiếp cận một cách dễ dàng như các doanh nghiệp trên địa bàn. Không chỉ có vậy, thực tế tại địa phương, do cơ chế, chính sách nên các HTX rất khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hạn chế đất làm nhà kho, xưởng sơ chế.
Để các HTX phát huy được lợi thế, tận dụng mọi điều kiện cả về khách quan, chủ quan, ông Tùng cho rằng, các HTX phải nỗ lực thay đổi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phương thức quản trị và nắm bắt kịp thời cơ phát triển hiện nay.
Từ nay đến năm 2025, địa phương sẽ hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho ít nhất cho 800 lượt cán bộ quản lý, chuyên môn để tham mưu, giúp việc về KTTT, HTX. Phấn đấu có ít nhất 30 HTX được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại. 20% số HTX được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, 50% HTX được giao đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ đạo triển khai xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ…
“Chúng tôi cũng mong muốn Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục có sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, về đào tạo cho cán bộ các HTX và triển khai chính sách hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi cho các HTX, đồng thời đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành có chính sách tháo gỡ những vướng mắc hiện nay để giúp các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững”, ông Tùng nhấn mạnh.
Phạm Duy