Giám đốc Đặng Thị Thuý Nga cho biết điều mà HTX đang mong muốn trong lúc này là có thể kết nối, ký kết với nhiều nhà thu mua và các nhà chế biến để đảm bảo các loại trái cây của HTX không phải gặp khủng hoảng đầu ra.
Lo đầu ra bấp bênh
HTX Xuân Định vốn nổi tiếng trong vài năm trở lại đây ở Đồng Nai với việc thu mua trái cây và trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với quy mô cánh đồng lớn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, mức độ tác động tiêu cực của dịch Covid như hiện nay khiến cho người đứng đầu HTX này tất tả ngược xuôi để tìm đầu mối tiêu thụ, từ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho đến các kênh bán lẻ hiện đại. Đặc biệt là khi cây ăn trái của HTX được trồng theo quy mô cánh đồng lớn với tiêu chuẩn VietGAP sắp sửa thu hoạch rộ.
Riêng ở xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) hiện có 250 ha đất trồng sầu riêng và 500ha trồng cây chôm chôm. Theo bà Nga, mỗi nhà vườn ở đây thu hoạch khoảng 20 - 25 tấn/ha. Những năm trước, đầu ra của HTX đa số là đại trà thông qua hợp đồng với những nhà thu mua lớn của Tp.Long Khánh (Đồng Nai) như Hoà Hạnh và Thanh Trung để xuất đi Trung Quốc.
Từ cách đây 4 năm, cây sầu riêng Xuân Định đã được tỉnh Đồng Nai chọn triển khai thực hiện Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian thực hiện dự án là 7 năm.
Dự án đã tạo mối liên kết bền vững giữa người nông dân với HTX Xuân Định và DN tiêu thụ, từ đó giúp các hộ trong vùng dự án giảm áp lực đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc, đồng thời yên tâm với đầu ra của sản phẩm, không còn bị tư thương ép giá.
Đầu ra của HTX này tương đối “xuôi chèo” cho đến khi thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại Trung Quốc. Các thành viên HTX không khỏi hoang mang về đầu ra dù cho các nhà thu mua vẫn giữ liên lạc với HTX và có nói rằng sẽ vẫn thu mua sầu riêng của HTX để bóc múi làm kem, còn việc xuất đi Trung Quốc thì tạm chưa nghĩ tới.
Với sản lượng trái cây của HTX Xuân Định rất lớn từ việc thu hoạch cho đến thu mua, nên bà Nga cho rằng việc tìm đầu ra trong bối cảnh dịch bệnh là một thách thức lớn hiện nay.
Mặt khác, giá thu mua nhiều loại rau quả mà HTX sắp sửa thu hoạch giảm xuống mức trầm trọng khiến cho nhiều nông dân lo lắng. Chẳng hạn, giá các loại quả bơ không có thương hiệu vốn chủ yếu xuất sang Trung Quốc (có khi mỗi ngày vài trăm tấn), đến nay đã giảm khoảng 50% so với trước đây.
Với sản lượng lớn quả sầu riêng, HTX Xuân Định cần đầu ra ổn định |
Cần các nhà chế biến
Hoặc sắp đến mùa thu hoạch chôm chôm với loại chôm chôm Java rất nhiều nhưng giá thu mua có khi hạ xuống chỉ còn 2.500 đồng/kg. Theo bà Nga, khoảng 2 tháng nữa thì việc thu hoạch những loại quả chủ yếu của HTX như sầu riêng, bơ, chôm chôm, măng cụt... trở nên đại trà, đồng loạt nên trước tình hình mức giá sụt giảm mạnh, thiếu hụt đầu ra là một áp lực lớn.
“Chúng tôi không biết đến thời điểm đó liệu có ai sử dụng hết các loại trái cây thu hoạch, thu mua đồng loạt của HTX hay của cả tỉnh Đồng Nai? Vì đầu ra ở Trung Quốc nếu không tiêu thụ được thì ngay ở thị trường nội địa lại càng khó hơn khi nguồn cung quá tải so với nhu cầu”, bà Nga nói.
Trong vấn đề liên kết giữa nông dân trong vùng nguyên liệu rau quả với DN, Giám đốc HTX Xuân Định bộc bạch: "Trước nỗi lo đầu ra bấp bênh thì chúng tôi đang rất cần các nhà chế biến ngay tại vùng nguyên liệu, có thể là hợp tác, đầu tư hoặc hướng dẫn. Chẳng hạn chế biến trái chôm chôm nước ép, đồ hộp trái, hệ thống sấy quả bơ…".
Như lo lắng của các thành viên HTX Xuân Định ở vùng nguyên liệu nông sản lớn của Đồng Nai, không chỉ vùng nguyên liệu của HTX mà ngay cả của các huyện trong tỉnh đều đang rất lo lắng khi mà nguồn cung rau quả đang ra đại trà, một cách đồng loạt nhưng lại không biết đầu ra sẽ đi về đâu nếu như tắt đầu ra từ Trung Quốc?
Theo chia sẻ của bà Nga, với một vùng nguyên liệu nông sản lớn như tỉnh Đồng Nai, việc không có nhà máy chế biến lớn thì nông dân chịu thiệt thòi rất nhiều. Nếu có được những nhà chế biến kết nối với HTX, nông dân sẽ rất mừng, bởi vì một khi hàng trái xuất đi không được thì vẫn còn chế biến để tiêu thụ sau.
Thanh Loan