Đối với các HTX, phải chuyển trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, hay dừng hoạt động của mô hình chăn nuôi nếu không đủ điều kiện là một vấn đề vô cùng lớn. Trong khi Luật Chăn nuôi đã quy định nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của khu dân cư, thành phố, thị xã, thị trấn.
Như "ngồi trên đống lửa"
Như vậy, không ít trang trại chăn nuôi của HTX trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi các khu dân cư. Nhưng, việc chuyển trang trại, cơ sở chăn nuôi là không hề đơn giản đối với các HTX vì liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (Hà Nội) cho biết để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ngay từ khi đi vào chăn nuôi theo quy mô lớn, HTX đã chủ động khai hoang khu đất ở xa khu dân cư và được cấp phép.
Nhưng khó khăn đặt ra là khi có cơ sở hạ tầng như đường sá hoàn thiện, không ít người dân lại đến sinh sống tập trung gần cơ sở chăn nuôi. Lúc này lại xảy ra tình trạng người dân không thoải mái với vấn đề về môi trường của trang trại chăn nuôi nên có ý kiến yêu cầu HTX phải chuyển trang trại.
Ngoài ra, trong Luật Chăn nuôi và Nghị định 13 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi có nêu về khái niệm khu dân cư nhưng chưa rõ ràng nên người dân, HTX còn lúng túng trong quá trình đầu tư trang trại vì không biết khu vực nào được chăn nuôi. Còn ở địa phương đều gặp khó khăn trong quy hoạch đất cho các HTX chăn nuôi vì đang trong quá trình đô thị hóa, tái cơ cấu nông nghiệp.
Nhiều HTX chăn nuôi đang gặp khó khăn trong việc di chuyển trang trại ra ngoài khu dân cư. |
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai)-Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết việc đầu tư một trang trại chăn nuôi đòi hỏi chi phí lớn, thậm chí rất lớn, đi liền với đó là chi phí đầu tư xử lý môi trường cao.
Chính vì vậy, chuyển trang trại ra nơi mới theo quy định sẽ là cả một vấn đề vì không chỉ yêu cầu về thời gian mà còn về chi phí, quy hoạch, quỹ đất, khả năng hồi phục và bắt nhịp lại thị trường…
Vẫn biết việc di chuyển hay dừng hoạt động nếu không đủ điều kiện là cần thiết nhằm vừa duy trì phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường xanh, sạch. “Song nhiều hộ dân, thành viên HTX chăn nuôi đang như ngồi trên đống lửa, bất lực bởi không thể xoay xở đi nơi nào khác để chăn nuôi. Trong khi thời hạn cho di chuyển trang trại không còn nhiều”, ông Quyết chia sẻ.
Cần “thấu tình đạt lý”
Thực chất, chăn nuôi vốn hình thành từ tập quán của người dân sau đó được nâng lên thành các mô hình trang trại của người dân, HTX và doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, quy mô các trang trại chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ, nhất là ở những địa bàn nông thôn, hay ở những địa phương chuyển từ làng lên phố…
Trong khi hiện nay, giá sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giá lợn hơi đang ở mức thấp, còn chi phí chăn nuôi vẫn ở mức cao. Các HTX lại vừa trải qua các đợt dịch bệnh gia súc, gia cầm nên đang cần nguồn vốn tái đàn, phục hồi và phát triển sản xuất.
Mặc dù quyết định di dời trang trại chăn nuôi đã chính thức có hiệu lực từ năm 2020 nhưng đến nay mới được các tỉnh, thành bắt tay vào thực hiện. Thời gian thực hiện còn lại hơn 2 năm là quá gấp gáp nên cần được xem xét một cách phù hợp, cẩn trọng, cụ thể với thực tế tình hình của người dân, HTX. Trong đó, cần có các chính sách hỗ trợ thấu tình đạt lý, cởi mở để có thể chia sẻ với thiệt thòi của người dân và các HTX chăn nuôi.
Đặc biệt, quy định này liên quan trực tiếp đến quyền lợi, việc làm, đời sống, tương lai của người dân và thành viên HTX. Vì hầu hết thành viên, người lao động đang làm việc trong các HTX chăn nuôi đã từ trung tuổi trở lên. Họ cũng là người nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi nên nếu thuộc trường hợp phải dừng hoạt động thì việc chuyển đổi ngành nghề cũng rất khó khăn.
Trong khi mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng/người là vẫn còn thấp, không phù hợp với thực tế hiện nay. Nhiều gia đình thành viên, chi tiêu hàng ngày cũng như việc nuôi dạy, học hành của con cái đang trông vào thu nhập từ việc tham gia các HTX chăn nuôi. Nếu dừng lại, họ không biết làm gì.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ di dời trang trại của địa phương và trung ương còn quá khiêm tốn, trong khi đầu tư cho chăn nuôi đòi hỏi nguồn vốn lớn. Nếu không có chi phí phù hợp, việc chuyển ra nơi mới nhưng không được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, áp dụng công nghệ xử lý môi trường phù hợp thì vấn đề ô nhiễm môi trường vấn tiếp tục xảy ra.
Theo các chuyên gia, muốn sản xuất bền vững thì cần quy hoạch lại sao cho hợp lý và khoa học. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần phải quan tâm đến nguyện vọng của người nông dân, thành viên HTX vì họ chính là đối tượng bị tác động trực tiếp.
Chính vì vậy, trước khi thực hiện chính sách này, cần có khảo sát, báo cáo tác động thiệt hại về kinh tế đối với người nông dân, thành viên HTX trực tiếp chăn nuôi cũng như tác động đối với thị trường, người tiêu dùng. Bởi chưa tính đến các trang trại buộc phải dừng hoạt động mà chỉ tính riêng các HTX phải di chuyển trang trại cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu thị trường, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhu cầu của người tiêu dùng.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công chia sẻ, các ngành chức năng nên xem xét giãn lộ trình thực hiện để các HTX, cơ sở chăn nuôi có thời gian chuẩn bị và thực hiện một cách hiệu quả nếu trong diện phải di chuyển ra ngoài khu dân cư.
Ngoài ra, nên xem xét những HTX, mô hình chăn nuôi đã cam kết khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường thì có thể gia hạn thêm thời gian để vừa đảm bảo ổn định sản xuất, vừa đảm bảo giá trị kinh tế của cả HTX, địa phương và Nhà nước.
Huyền Trang