Hiện nay, TP Hà Tĩnh có trên 120 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, tích tụ. Trong đó có 9 HTX đóng vai trò trọng tâm, đầu tư và tổ chức sản xuất theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết và từng bước hình thành hệ sinh thái để khai thác nông nghiệp đa giá trị.
Làm nông nghiệp tuần hoàn “3 trong 1”
Cách đây hơn 1 năm, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật (Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) ra đời. Ngay từ những ngày đầu HTX lựa chọn trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát triển dịch vụ du lịch.
Anh Nguyễn Hữu Quyền-Giám đốc HTX, cho biết. "Khu vực này trước đây là vùng trũng thường xuyên ngập lụt, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, được sự đồng ý của lãnh đạo TP. Hà Tĩnh. HTX đã thuê đất, phá bờ, mở rộng theo chính sách tích tụ ruộng đất khoảng 5 ha để vừa trồng lúa, vừa kết hợp nuôi xen canh cá, tôm càng xanh, tạo cảnh quan cho du lịch trải nghiệm.
Giám đốc HTX Sản xuất rau, củ, quả và dịch vụ tổng hợp xã Thạch Hạ giới thiệu mô hình trồng rau trong nhà lưới. |
"Mô hình hoàn toàn không sử dụng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ. Trên ruộng tôi chọn giống lúa ST25 để trồng, phía dưới thả trên 6 vạn cá chạch, 3 vạn tôm càng xanh và trên 2 vạn cá các loại (cá rô, cá diêu hồng, cá trắm đen)… Nhờ sản xuất hữu cơ nên năng suất lúa đạt gần 5 tấn/ha; sản lượng thủy sản các loại khoảng 40 tấn, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn nên sản phẩm lúa, cá được bán với giá cao hơn thị trường", anh Quyền cho hay.
Không chỉ trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, anh Quyền cùng các thành viên còn tận dụng đất còn trống trên bờ, lối đi trồng hoa, xây dựng các loại hình dịch vụ để sẵn sàng phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Anh chia sẻ: “Làng lúa, làng hoa là ý tưởng mà tôi muốn hướng đến. Đây là một điểm nhấn cảnh quan tạo sức hút, phát triển du lịch nông thôn. Tương lai, tôi sẽ xây dựng điểm du lịch trải nghiệm, là điểm đến cho người dân địa phương dịp cuối tuần nghỉ ngơi, giải trí", anh Quyền bật mí.
Bên cạnh đó, hiện nay HTX đang xúc tiến tổ chức thí điểm phiên chợ quê Thạch Hạ. Dự kiến phiên chợ sẽ được tổ chức trong các ngày từ 29/4/2023 đến 02/5/2023, tại thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh.
Cũng thành công nhờ mô hình sản xuất hữu cơ, mỗi năm doanh thu của HTX Sản xuất rau, củ, quả và dịch vụ tổng hợp xã Thạch Hạ (thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ, TP.Hà Tĩnh) đạt 1,5 tỷ đồng, giúp đời sống của các thành viên ngày càng khấm khá hơn.
Anh Nguyễn Đăng Mạnh - giám đốc HTX cho biết: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định đầu tư sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm xây dựng hệ thống thực phẩm an toàn cho người sử dụng, bền vững với môi trường và sản phẩm lựa chọn được thị trường có giá trị".
Hiện nay, diện tích sản xuất của HTX cơ bản được phủ kín với hơn 6.000 m2 dưa lưới, 2.000 m2 dưa hấu, 300 m2 dưa chuột… trong nhà lưới. Bình quân mỗi loại cây cho sản xuất 2-3 vụ gối/năm. Tháng 12/2022, các sản phẩm dưa (dưa lưới, dưa chuột, dưa lê…) được Công ty TNHH Công nghệ NHONHO chứng nhận đạt chuẩn. Năm 2022, HTX cũng lần đầu tiên xuất 12 tấn dưa vàng sang thị trường Hàn Quốc
Theo lãnh đạo các HTX trên, mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch không chỉ thay đổi tư duy sản xuất từ canh tác theo lối truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, mà còn mang lại thu nhập ổn định, giúp các thành viên và người dân địa phương xoá đói, giảm nghèo bền vững.
HTX là nòng cốt phát triển nông nghiệp xanh
Ngày 13/4, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Hà Tĩnh, Hoàng Trung Dũng đi kiểm tra một số mô hình, dự án nông nghiệp đô thị khai thác đa giá trị trên địa bàn TP. Hà Tĩnh, qua kiểm tra thực tế tại xã Thạch Hạ và Đồng Môn, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đánh giá cao tính hiệu quả của các mô hình, dự án, đặc biệt là vai trò của các HTX trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: việc TP. Hà Tĩnh xây dựng các dự án nông nghiệp đô thị theo hướng xanh, đa giá trị, lợi ích trên tinh thần lấy HTX làm nòng cốt để liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, người sản xuất với người tiêu dùng là rất phù hợp với xu hướng hiện nay.
Theo đó, ông chỉ đạo: “Địa phương cần tập trung hỗ trợ người nông dân từ khâu thành lập HTX đến xây dựng, nhận diện thương hiệu, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và tạo ra chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đô thị”.
Ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế (UBND TP. Hà Tĩnh) cho biết: “Việc sản xuất theo phương thức và khoa học công nghệ với tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, không chỉ giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn giảm thiểu rủi ro trước biến động của thị trường và sự thay đổi của thời tiết, khí hậu.
Hiện nay, UBND thành phố đang tiếp tục hỗ trợ 5 vùng sản xuất thực hiện xây dựng quy trình chứng nhận Vietgap, gồm: mô hình nuôi bò nhốt; mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Đồng Môn; dự án nuôi tôm 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh ở xã Thạch Hạ; dự án trồng sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch và mô hình sản xuất lúa bằng cấy mạ khay ở xã Thạch Trung… Địa phương cũng sẽ tiến hành xây dựng chuỗi liên kết vùng, thực hiện quy trình cấp mã vùng trồng, tạo điều kiện để các sản phẩm có cơ hội hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường; đồng thời, phát huy tối đa giá trị nông nghiệp đô thị và thực hiện mục tiêu của thành phố về phát triển sản xuất gắn du lịch sinh thái.
Hoàng Hà