Nhiều HTX đang tiếp cận hoặc làm việc với các doanh nghiệp, siêu thị nhưng gặp những khó khăn nhất định vì đầu ra bán cho doanh nghiệp, siêu thị đều có chứng từ mua bán. Trong khi vấn đề hóa đơn, chứng từ, quản lý thu chi… của HTX đều thiếu hoặc chưa rõ ràng do không có kế toán hoặc ban giám đốc trình độ chưa cao.
50% cán bộ HTX chưa bảo đảm yêu cầu
Thống kê cho thấy, ngành nông nghiệp đang thu hút khoảng 50% lao động của thị trường, nhưng tỷ lệ lao động có bằng cấp chỉ đạt dưới 10% tổng số lao động có bằng cấp cả nước.
Luật HTX năm 2012 và các văn bản liên quan đã quy định, để trở thành cán bộ quản lý HTX, người đó phải là thành viên HTX… Đặc biệt, trình độ cán bộ quản lý HTX tối thiểu phải đạt từ trung cấp chuyên môn trở lên.
Theo các chuyên gia, đối chiếu theo những quy định trên, khoảng 40-50% số cán bộ quản lý HTX chưa bảo đảm yêu cầu. Bởi đa số các HTX đang gặp tình trạng đội ngũ lãnh đạo tuổi cao, chưa có bằng cấp chuyên môn hoặc chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý HTX. Vì vậy mà HTX chưa lo được đầu vào, đầu ra cho thành viên một cách ổn định và bền vững.
Nhiều HTX cũng rơi vào khó khăn đó là thành viên chưa thực sự tin theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban giám đốc HTX bởi lãnh đạo chỉ đạo chưa đúng với bản chất của HTX. Chính vì vậy, vẫn có ít HTX hoạt động hiệu quả, số HTX có ban giám đốc trình độ quản lý cao còn khiêm tốn và tính tin cậy giữa các thành viên còn thấp.
Để tận dụng được lợi thể của mô hình HTX toàn thôn, toàn xã có vai trò không nhỏ từ năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo HTX. |
Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là hướng đến năm 2050 sẽ đưa Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao, phát triển văn minh, vươn lên làm giàu. Trước thực tiễn này, khu vực kinh tế tập thể, HTX phải làm như thế nào để thích ứng. Đồng thời HTX phải làm sao để chung tay cùng Nhà nước hướng đến mục tiêu đến 2045, thu hút tối thiểu 20% hộ cá thể tham gia HTX, đưa chất lượng hoạt động của HTX ngang tầm với các quốc gia trên thế giới?
Tạo sức mạnh cho HTX
Trước câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường ứng dụng công nghệ, đảm bảo chất lượng và nguồn cung nông sản, đồng thời hỗ trợ người nông dân sử dụng kỹ thuật mới trong canh tác và sản xuất là điều tất yếu. Và muốn làm được những điều này, các HTX cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để làm cầu nối trong việc phổ biến và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân.
Tuy nhiên, trước thực trạng khu vực kinh tế tập thể, HTX đang khó tích lũy tài sản, đất đai manh mún, vốn ít nên không đủ nguồn lực để thu hút được người có bằng cấp về làm việc, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hỗ trợ đào tạo cán bộ cho HTX. Vì người đứng đầu HTX như kéo một toa tàu nên cần được đào tạo về chuyên môn thường xuyên nhằm tạo sức mạnh cho cả đoàn tàu.
Còn tại các địa phương, cần chú trọng cử cán bộ trẻ đi học về quản lý HTX để thay thế cán bộ lớn tuổi. Đi cùng với đó là mở các lớp đào tạo cho cán bộ địa phương về kinh tế tập thể, HTX. Hàng năm, Nhà nước cần dành chi phí cử cán bộ trẻ đi đào tạo ở các nước trên thế giới để có thể giúp HTX phát triển cả về chất và lượng.
TS Ninh Đức Hùng, Phó Hiệu trưởng trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I (Bộ NN&PTNT), cho biết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX điều quan trọng là các trường cần chuẩn hóa giáo trình để bảo đảm chất lượng. Trong đó, cần đưa chương trình đào tạo về kinh tế tập thể, HTX vào các trường cao đẳng, đại học, thậm chí trường cấp 3 để hình thành ý thức phát triển HTX cho học sinh, sinh viên.
Hiện, Hội đồng quản trị, giám đốc, kế toán… là đội ngũ lãnh đạo chính lãnh đạo HTX phát triển nên quá trình đào tạo cũng cần quan tâm đến những đối tượng này. Vậy nên nội dung đào tạo cần tập trung vào truyền thông, chia sẻ về bản chất của HTX theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW vì vẫn còn không ít cán bộ HTX chưa hiểu rõ bản chất của HTX nên lãnh đạo HTX chưa đúng với bản chất vốn có.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số là điều kiện sống còn đối với HTX nên ngoài đạo tạo kỹ năng cho cán bộ HTX về vấn đề này, cần có hệ thống nhà khoa học hỗ trợ HTX lắp đặt và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, hướng dẫn kỹ năng đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn sử dụng các phẩm mềm: nhật ký sản xuất, kế toán thay cho hoạt động thủ công, kỹ năng xây dựng thương hiệu, hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kiểm soát HTX…Ngoài ra, cần có chuyên đề kế toán HTX vì HTX đang thiếu và yếu về vấn đề này.
Theo TS Ninh Đức Hùng, hiện nay nhiều địa phương có lợi thế là phát triển mô hình HTX toàn thôn, HTX toàn xã với lợi thế nhiều thành viên. Chính vì vậy, lãnh đạo ở những HTX phải giúp thành viên trở thành lượng khách hàng nội bộ để tăng doanh thu và lợi nhuận cho chính HTX.
Muốn vậy, những người đứng đầu HTX phải đảm bảo được đầu vào, đầu ra và có kỹ năng kiến thức linh hoạt và sâu rộng về thị trường. Khi HTX kêu gọi được nhiều thành viên là khách hàng sẽ thuận lợi trong việc kêu gọi góp vốn, đất. Từ đây, HTX cũng thuận lợi phát triển theo quy mô lớn, phát triển đúng bản chất của mô hình HTX, hút được lao động trẻ có tri thức vào HTX mà ít mô hình nào làm được.
“Lợi ích đầu vào, đầu ra, góp vốn và phát huy giá trị nhân văn trong xã hội như giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường… của mô hình kinh tế tập thể được phát huy hay không là nhờ một phần quan trọng từ năng lực của cán bộ HTX”, TS Ninh Đức Hùng chia sẻ.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX, các quy định, cơ chế trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cần bám sát vào nhu cầu thực tiễn của các HTX hơn nữa.
Hiện, các chính sách về đào tạo cán bộ và đưa tri thức trẻ về làm việc vẫn cứng nhắc nên không tạo động lực để thu hút cũng như giúp cán bộ gắn bó và đưa ra những sáng kiến tâm huyết để phát triển HTX.
Huyền Trang