Trở về quê hương lập nghiệp sau nhiều năm làm thủy thủ tàu biển, anh Nguyễn Văn Hạnh, nhà sáng lập HTX nông sản Hạnh Phúc (Diễn Châu, Nghệ An), cùng các cộng sự đang gặt hái được những thành công rực rỡ với mô hình sản xuất dứa và chế biến tơ sợi từ dứa xuất khẩu sang châu Âu.
Biến phụ phẩm thành tiền
Hiện, HTX đang duy trì tổng diện tích canh tác trên 44 ha, hỗ trợ các hộ nông dân liên kết trồng thêm hơn 130 ha, doanh thu từ dứa và các sản phẩm nông sản đạt trên dưới 2 tỷ đồng/năm. HTX đã tạo việc làm cho hơn 50 thanh niên, phụ nữ yếu thế và bà con dân tộc thiểu số ở địa phương.
Đáng chú ý, để tận dụng nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất, anh Nguyễn Văn Hạnh cùng các cộng sự trong HTX đã nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm tơ sợi từ lá dứa. Trên nền tảng HTX, công ty Sợi lá dứa Ecosoi được thành lập, mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều người dân địa phương.
Năm 2022, tơ sợi dứa Ecosoi trở thành thương hiệu nổi đình, nổi đám, gây được không ít sự chú ý, khi tham gia gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam và được đánh giá rất cao về cả ý tưởng và tính khả dụng.
Sự chủ động trong ứng dụng công nghệ sẽ giúp các HTX tận dụng phụ phẩm, tạo ra các sản phẩm giá trị cao. |
Tại Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023 diễn ra tại TP.HCM vào cuối tháng 3/2023, bà Vũ Thị Liễu, đồng sáng lập thương hiệu tơ sợi dứa Ecosoi, cho biết tại Việt Nam mỗi năm có hàng nghìn ha diện tích trồng dứa, tương đương với hàng triệu tấn lá dứa bị bỏ đi mỗi năm.
Thay vì đốt bỏ, gây ô nhiễm nghiêm trọng, nếu mô hình chế biến tơ sợi từ lá dứa được nhân rộng, sẽ đem lại lợi ích khổng lồ về kinh tế và môi trường.
“Với mỗi quả dứa được thu hoạch, người trồng sẽ phải bỏ đi từ 2 - 3kg lá dứa. Để có được 1kg sợi khô cần 55 - 60kg lá dứa tươi, như vậy với khoảng 20 - 22 quả dứa sau thu hoạch, người nông dân có thể kiếm thêm 120.000 - 170.000 đồng nhờ bán sợi dứa”, bà Liễu ước tính.
Với những thành công hiện tại, Ecosoi tiếp tục đẩy nhanh tốc độ bằng cách chuyển giao công nghệ và đặt hàng các HTX, đơn vị có sẵn vùng nguyên liệu, nguồn lao động là người dân địa phương… để các tổ chức chủ động sản xuất và bán lại sợi thô cho Ecosoi.
Từ những tiềm năng khổng lồ về nguồn nguyên liệu và thị trường trong và ngoài nước, HTX Hạnh Phúc cùng thương hiệu tơ sợi Ecosoi cũng kỳ vọng doanh thu sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2023 và 10 lần vào năm 2024.
Tận dụng nguồn nguyên liệu tỷ USD
Thực tế, những trường hợp như HTX Hạnh Phúc “hô biến rác thải thành tiền” không hiếm. Nhiều HTX trên toàn quốc cũng đã thành công biến rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp và chất thải thông thường thành các sản phẩm có ích, đem lại giá trị cao.
Từ phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã nghiên cứu và tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu.
Trước đây, nông dân sau khi thu hoạch chuối phải tốn tiền thuê nhân công chặt bỏ cây chuối thì nay họ có thể trực tiếp bán cây chuối tươi hoặc bỏ công tách bẹ chuối, phơi khô bán cho HTX thu về hàng chục triệu đồng/năm.
Sản phẩm bẹ chuối khô của HTX đã được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản… Xơ, sợi chuối từ bẹ chuối khô là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường được thị trường thế giới ưa chuộng nên tiềm năng còn rất lớn.
Giám đốc Lý Minh Hùng cho biết: “HTX đang tiếp tục đa dạng các sản phẩm chế biến hướng đến quy trình chế biến khép kín hầu như không bỏ một bộ phận nào của cây chuối nhằm giúp tăng giá trị của cây trồng này”.
Theo thống kê, hàng năm Việt Nam thải ra 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Nếu được cầu tư, chế biến sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, tăng thêm thu nhập cho nhà nông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra tiềm năng phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể mang lại giá trị lên đến 4-5 tỷ USD/năm, tuy nhiên hiện mới chỉ đạt khoảng 275 triệu USD.
Vì vậy, để hiện thực hóa nguồn nguyên liệu tỷ USD này, cần có các chính sách thu hút các HTX, doanh nghiệp vào thu gom, xử lý, chế chế biến các phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên làm ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao, sau đó mới đến chế biến phân hữu cơ.
Tóm lại, việc thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả phế, phụ phẩm nông nghiệp có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn… đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, HTX.
Vì vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tập trung để khai thác được hết tiềm năng lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp. Phải xác định, phụ phẩm nông nghiệp không phải thứ bỏ đi, mà đầu ra của lĩnh vực sản xuất này sẽ là đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác, mang lại giá trị cao hơn và tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.
Mỹ Chí