Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 441 HTX. Trong đó có 328 HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, thủy sản, 15 HTX tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX xây dựng, 85 quỹ tín dụng nhân dân, 6 HTX thương mại dịch vụ và 5 HTX giao thông vận tải.
Trợ lực HTX
Chiếm số đông là các HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, thủy sản nhưng các HTX này chủ yếu phát triển các dịch vụ cung ứng cho thành viên, liên kết nông dân để tạo vùng sản xuất ổn định và mở rộng thị trường hàng hóa của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trước nhu cầu của thị trường, không ít HTX đã chủ động đổi mới phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng đầu tư chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, đa số HTX nông nghiệp đều thiếu nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cùng tham gia vận hành bộ máy, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại. Đây là một trong những thách thức lớn mà các HTX nông nghiệp đang gặp phải.
HTX Bình Định đã có cán bộ trẻ về hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ đầu năm 2019 (Ảnh: TL) |
Trước thực tế này, UBND tỉnh đã lựa chọn những HTX nông nghiệp tham gia mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn. Mức hỗ trợ cho mỗi lao động bằng mức lương tối thiểu vùng, thực hiện tối đa 36 tháng, trong giai đoạn 2018 - 2020. Việc tuyển dụng nhân sự được giao cho các HTX chủ động thực hiện, ưu tiên lao động tại địa phương và con em của thành viên, góp phần tạo nguồn nhân lực gắn bó lâu dài với HTX.
Đến nay, các cán bộ trẻ khi được tiếp nhận về làm việc tại các HTX bước đầu đã phát huy năng lực chuyên môn và sức trẻ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Khi về làm việc tại HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Định (xã Bình Định-huyện Kiến Xương), chị Bùi Thị Thu Thủy, cử nhân nông nghiệp được giao phụ trách lĩnh vực dịch vụ bảo vệ thực vật trong HTX. Nhờ tích cực bám sát đồng ruộng và áp dụng những kỹ thuật đã được học trong phòng trừ sâu bệnh, chị Thủy kịp thời tham mưu cùng những người đứng đầu HTX đưa ra các quyết định sát, đúng, phù hợp với tình hình sản xuất của địa phương.
Theo chị Thủy, là một sinh viên mới ra trường, kiến thức thực tế chưa có nhiều nên khi làm việc tại HTX Bình Định cũng là thời gian giúp chị học hỏi kinh nghiệm, đồng thời giúp chị có cơ hội đóng góp những kiến thức mình được lĩnh hội trong trong quá trình học tập để giúp bà con sản xuất hiệu quả.
Cũng là sinh viên mới ra trường và được nhận vào công tác tại HTX thanh niên TP Thái Bình từ đầu năm 2019, chị Nguyễn Thị Thanh Trầm với chuyên ngành kinh doanh nhanh chóng tiếp cận với công việc và hoạt động của HTX.
HTX thanh niên TP Thái Bình rộng đầu ra nhờ có cán bộ trẻ về hỗ trợ (Ảnh: TL) |
Không chỉ áp dụng hiệu quả những kiến thức chuyên ngành vào việc thống kê, tổng hợp báo cáo tài chính, chị Trầm còn chủ động tìm hiểu và đề xuất xây dựng kênh bán hàng phù hợp với người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh doanh cho HTX. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản của HTX làm ra nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến. Mạng lưới phân phối ngày càng mở rộng.
Tự chủ vươn lên
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn Thái Bình, đa phần cán bộ quản lý HTX trên địa bàn tỉnh có độ tuổi trung bình khá cao, từ 40 tuổi trở lên. Đội ngũ cán bộ đã cao tuổi thường khó tiếp thu khoa học - kỹ thuật mới, hạn chế trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mở rộng liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ, tay nghề và kinh nghiệm quản lý ở các HTX nông nghiệp, Quyết định số 1231/QĐ-BNN-KTHT của Bộ NN&PTNT về việc triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp được hy vọng tạo động lực, tạo đà để các HTX nông nghiệp tại Thái Bình có bước phát triển mới, vì các cán bộ trẻ đã phát huy năng lực cũng như nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc. Đây cũng là điều kiện đẻ phát triển kinh tế hợp tác tại tỉnh.
Tuy nhiên, việc thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp mới được triển khai tại Thái Bình từ tháng 1/2019.
Vấn đề đặt ra hiện nay là thời gian hỗ trợ cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX nông nghiệp tối đa không quá 36 tháng. Vậy, hết thời gian hỗ trợ của Nhà nước, liệu các HTX có đủ khả năng trả lương bằng với mức hỗ trợ để giữ cán bộ ở lại không?
Do vậy, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các HTX cần phải vươn lên trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế, tiến tới việc tự chủ về tài chính đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng về công tác và làm việc lâu dài. Có như vậy, các HTX mới thực sự phát triển, theo kịp sự phát triển của thị trường.
Huyền Trang